“Dù biết là cần thiết, nhưng chúng tôi không thể vận động xã hội hóa hoạt động TDTT trên địa bàn quận như Hải Châu hay Thanh Khê được. Sơn Trà không có những doanh nghiệp lớn để hỗ trợ hoạt động TDTT, lại thêm những hạn chế trong việc quảng bá hình ảnh của đơn vị tài trợ. Vì vậy, để duy trì và phát triển phong trào TDTT, chúng tôi đã chọn giải pháp lấy phong trào “nuôi” phong trào”, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Nguyễn Thanh Phong giải thích như thế về cách làm mang tính đặc thù của ngành TDTT quận Sơn Trà.
Đua thuyền từng là một trong những thế mạnh của thể thao Sơn Trà. |
Không thể phủ nhận niềm đam mê của người dân quận Sơn Trà với các hoạt động TDTT, từ mục tiêu rèn luyện thân thể đến tham gia thi đấu các giải thể thao hằng năm trên địa bàn như giải cờ tướng - cờ vua “Mừng Đảng, đón Xuân”, giải tennis các CLB quận Sơn Trà 2011, giải bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền bãi biển… Ngành TDTT cũng phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức Hội thi Thể thao học sinh, các giải bóng đá mini nữ, thể thao thanh niên, bóng bàn - cầu lông thanh-thiếu niên; đăng cai giải bóng chuyền ngành Thuế thành phố, Hội khỏe Phù Đổng năm học 2011-2012…
Qua đó, các đội tuyển của quận Sơn Trà đã được thành lập để thường xuyên có mặt và gặt hái không ít thành tích tại các giải đấu cấp thành phố như giải bóng đá nhi đồng, giải bóng bàn hay giải cầu lông các CLB thành phố mở rộng, giải bơi lội trẻ, giải điền kinh trẻ…
So với Hải Châu hay Thanh Khê, Sơn Trà có thể không có được nền tảng vững chắc từ những ngày đầu mới thành lập quận, về cả yếu tố con người lẫn cơ sở vật chất. Rồi kinh phí hoạt động TDTT cũng là một trở lực quá lớn dù với Sơn Trà, tiềm năng TDTT không hề thua kém bất kỳ đơn vị nào trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, không vì những hạn chế mà ngành TDTT Sơn Trà chấp nhận “thua chị, kém em” dù khó khăn trăm bề. Hiệu quả hoạt động của phong trào được thể hiện rõ nét nhất qua những số liệu 19,89% số dân tập thể thao thường xuyên và 17,84% số hộ gia đình thể thao. Lý giải về hiệu quả đạt được, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Chúng tôi chỉ dựa vào công tác vận động, tuyên truyền để người dân nhận thức được lợi ích khi tham gia các hoạt động TDTT. Đồng thời, trong công tác quản lý, ngoài việc xây dựng thang điểm thi đua, công khai, minh bạch các tiêu chí cũng như điểm số thi đua của các cơ quan, đơn vị, chúng tôi bảo đảm tuyệt đối về chuyên môn khi tổ chức các giải đấu, từ đó khơi dậy được sự nhiệt tình của quần chúng ở cơ sở. Để từ phong trào cơ sở, ngành TDTT Sơn Trà lấy đó làm nền tảng cho việc tổ chức và xây dựng phong trào trên toàn quận…”.
Hiệu quả phong trào được ghi nhận và qua đó, lãnh đạo các cấp từ thành phố đến quận quan tâm đầu tư cho ngành TDTT Sơn Trà cơ ngơi vào loại bậc nhất so với các quận, huyện gồm Nhà Thi đấu đa năng, sân vận động, 2 sân tennis… Và hiện nay, Phòng Văn hóa-Thông tin Sơn Trà đang đề xuất UBND quận cho đầu tư xây dựng, mở rộng Nhà Thi đấu đa năng; xây dựng CLB Thể hình, CLB Thể dục thẩm mỹ… tiến đến thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động thể thao.
Bài và ảnh: NGUYÊN AN