Thể thao
IOC có thể cấm cửa VĐV Nga ở Olympic Rio
Rạng sáng mai 20-7 (giờ VN), Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) sẽ họp khẩn để quyết định việc có cấm Nga tham dự Olympic Rio hay không sau khi phát hiện hàng loạt vụ xìcăngđan doping tại Olympic Mùa đông Sochi 2014 và các sự kiện thể thao khác tại Nga.
Thể thao Nga đứng trước nguy cơ vắng mặt ở Olympic 2016 vì hàng loạt vụ bê bối doping. Ảnh: Daily Sun |
Theo AFP, Cơ quan Chống doping thế giới (WADA) kêu gọi IOC cấm cửa tất cả các VĐV và quan chức Nga tới dự Olympic Rio và các sự kiện thể thao khác sau khi vụ bê bối doping vỡ lở. Trước đó, chính chủ tịch IOC Thomas Bach từng mô tả đó là “đòn tấn công gây sốc và chưa từng thấy nhắm vào sự liêm chính của thể thao và của Thế vận hội”.
Cuộc điều tra do Giáo sư luật Canada Richard McLaren thực hiện cho WADA cho thấy mật vụ Nga hỗ trợ “một hệ thống khẩn cấp” do Bộ Thể thao Nga dựng lên để tiếp tay cho các VĐV Nga dùng doping. Hệ thống này đã hoạt động suốt 5 năm qua, trong 30 môn thể thao.
“Quy mô của vụ bê bối đòi hỏi việc phải cấm Nga tham gia Olympic và Paralympic”, ông Adam Pengilly, thành viên Ủy ban Vận động viên IOC, khẳng định. Khi được hỏi liệu việc không cấm vận Nga có thể dẫn đến “sự kết thúc” đối với IOC, ông Pengilly trả lời: “Hoàn toàn có khả năng đó”.
Ủy ban Điều hành WADA cũng tuyên bố IOC và Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) cần phải cấm cửa mọi VĐV có tên trong danh sách mà Ủy ban Olympic Nga (ROC) và Ủy ban Paralympic Nga (RPC) đã trình lên.
WADA cũng kêu gọi chính quyền Nga sa thải các quan chức có dính líu tới vụ bê bối và đòi IOC phải cấm cửa các quan chức Nga tới dự các cuộc thi thể thao quốc tế, bao gồm Olympic Rio 2016. Trước đó Nga đã Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) cấm cửa tại các cuộc thi quốc tế vì bê bối doping hồi năm ngoái.
Âm mưu tiếp tay doping từ năm 2010
Theo điều tra của Giáo sư McLaren, âm mưu tiếp tay cho các VĐV Nga dùng doping bắt đầu kể từ sau khi đoàn thể thao Nga đạt kết quả quá yếu kém ở Olympic Mùa đông Vancouver năm 2010 và tiếp diễn cho đến tận sau Thế vận hội Sochi.
Giáo sư McLaren- người đứng đầu Ủy ban độc lập điều tra vụ bê bối doping của Nga ở Olympic Sochi 2014. Ảnh: AP |
Chính phủ Nga coi Thế vận hội Sochi là sự kiện thể thao mang tính cột mốc để giới thiệu một nước Nga mới với thế giới. Mátxcơva đã chi tới 50 tỷ USD để tổ chức đại hội thể thao này. Trong thời gian qua, Nga vẫn luôn phủ nhận cáo buộc các vụ xìcăngđan doping của VĐV nước này được chính quyền Matxcơva chống lưng.
Hiện tại, các quan chức thể thao quốc tế cũng đang gây sức ép buộc IAAF kéo dài lệnh cấm vận đối với các VĐV Nga. “IOC sẽ không ngần ngại trong việc đề ra các biện pháp cấm vận ngặt nghèo nhất đối với bất kỳ cá nhân và tổ chức nào có dính líu (tới bê bối doping)”, ông Bach khẳng định.
Dù vậy, ông Bach và một số liên đoàn thể thao quốc tế cho rằng nếu có cách để các VĐV Nga chứng minh được sự trong sạch thì họ vẫn có thể tham dự Olympic Rio.
Báo cáo điều tra của giáo sư McLaren cho biết Bộ Thể thao Nga dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Vitaly Mutko đã tổ chức hệ thống che đậy tinh vi. Họ bí mật thay thế và hủy các mẫu thử nước tiểu cho thấy VĐV Nga sử dụng doping.
“Phòng thí nghiệm ở Matxcơva hoạt động để bảo vệ các VĐV Nga dùng doping theo hệ thống khẩn cấp do nhà nước Nga dựng lên - ông McLaren khẳng định - Phòng thí nghiệm Sochi ứng dụng chiêu tráo đổi mẫu thử nước tiểu để cho phép các VĐV dùng doping thi tài tại Thế vận hội mùa đông”.
Báo cáo nhấn mạnh Bộ Thể thao Nga đã chỉ đạo, kiểm soát và điều hành hệ thống tráo đổi và làm giả kết quả thử doping của các VĐV nước này. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Tổng Cục an ninh liên bang Nga (FSB), các tổ chức đào tạo VĐV, phòng thí nghiệm ở Matxcơva và Sochi đã “chủ động và tích cực tham gia” vào mưu đồ này.
“Cần trừng phạt thích đáng”
Olympic Rio sẽ khai mạc vào ngày 5-8 tới. Giám đốc Ủy ban Olympic Mỹ Scott Blackmun cho rằng IOC, WADA và các tổ chức quản lý thể thao quốc tế “cần áp đặt lệnh cấm vận phù hợp để trừng phạt hành vi gian lận quy mô lớn và tạo cơ hội cho các VĐV trong sạch được tranh tài một cách công bằng ở Rio”.
Chủ tịch WADA Craig Reedie yêu cầu Nga phải sa thải các quan chức chính phủ có dính líu tới đường dây doping này. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận Cơ quan Chống doping Nga (RUSADA) chừng nào mà mọi cá nhân có dính líu trong Bộ Thể thao và các cơ quan chính phủ khác của Nga chưa bị sa thải”, ông Reedie nhấn mạnh.
Chủ tịch WADA Craig Reedie yêu cầu phạt nặng thể thao Nga sao vụ bê bối doping. Ảnh: AP |
Mới đây, Điện Kremlin tuyên bố sẽ “đình chỉ” các quan chức bị báo cáo điều tra của giáo sư McLaren bêu danh, tuy nhiên chỉ trích “sự can thiệp nguy hiểm của chính trị vào thể thao”. Chưa rõ các quan chức nào sẽ bị đình chỉ, nhưng Bộ trưởng Thể thao Mutko và Thứ trưởng Yury Nagornykh đều có tên trong báo cáo.
Giám đốc Cơ quan Chống doping Mỹ Travis Tygart cho rằng báo cáo điều tra đã lột trần tình trạng tham nhũng, tha hóa “khủng khiếp” trong thể thao Nga và có dính líu tới cấp cao nhất trong chính phủ.
Giáo sư McLaren thực hiện cuộc điều tra dựa trên những thông tin do cựu giám đốc Cơ quan Chống doping Nga Grigory Rodchenkov cung cấp hồi tháng 5. Hiện ông Rodchenkov đang lẩn trốn tại Mỹ và bị nhà chức trách Nga truy nã.
Ông Rodchenkov tiết lộ đường dây doping của Bộ Thể thao Nga “hoạt động chính xác như đồng hồ Thụy Sĩ” và đã giúp ít nhất 15 VĐV Nga giành huy chương. Ông McLaren mô tả ông Rodchenkov là “một người chân thật và đáng tin cậy”, dù ông này từng thú nhận đã tham gia vào việc hỗ trợ VĐV Nga dùng doping.
Giáo sư McLaren tuyên bố ông hoàn toàn tin tưởng vào kết quả cuộc điều tra dù nó chỉ được thực hiện trong 57 ngày đầy căng thẳng. Ông giữ bí mật tối đa nội dung báo cáo vào giao nó cho WADA hôm 16-7.
Theo Tuổi trẻ