UEFA sẽ thay đổi nguyên tắc công bằng tài chính

.

Covid-19 khiến hàng loạt CLB bóng đá châu Âu đối mặt với những khó khăn tài chính. Một thập niên trước, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đưa ra quy định về công bằng tài chính (Financial Fair Play- FFP), buộc các CLB thi đấu Cúp châu Âu chỉ chi từ nguồn thu, những ông chủ giàu có của CLB không được phép đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng hoặc quỹ lương của cầu thủ.

Với việc vi phạm quy định FFP, Manchester City (ảnh) đang đối mặt với án phạt rất nặng của UEFA. 		                                                                Ảnh: AS
Với việc vi phạm quy định FFP, Manchester City (ảnh) đang đối mặt với án phạt rất nặng của UEFA. Ảnh: AS

Tuy nhiên, với thực tế khủng hoảng tài chính do Covid-19, việc những ông chủ được đổ tiền để CLB vượt qua giai đoạn khủng hoảng là hoàn toàn có thể. Trong nỗ lực để mùa giải 2019-2020 được trở lại, UEFA đang đánh giá lại các quy tắc cần thiết của FFP với sự linh hoạt, nhằm giúp các CLB vượt qua khoảng thời gian đầy khó khăn này.

Ở một cuộc trao đổi cùng hãng thông tấn AP (ngày 13-4), một đại diện của UEFA cho biết: “Chúng tôi đã thành lập một Ủy ban để xem xét cấp phép cho các CLB trong thực hiện quy định FFP, khi các CLB đang cố gắng thích nghi với những thách thức do cuộc khủng hoảng bởi Covid-19. Hiện tại, tình hình đang diễn biến khả quan và chúng tôi liên tục theo dõi để sớm đưa ra những đề xuất phù hợp”.

Dù là một trong những người ủng hộ FFP nhưng trong bối cảnh hiện tại, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha Javier Tebas cũng thay đổi quan điểm khi cho rằng, những ông chủ có thể đổ tiền vào các CLB mà họ đang sở hữu để tạo một môi trường tài chính lành mạnh nhưng không khiến thị trường chuyển nhượng cầu thủ bị ảnh hưởng xấu. Khi trả lời phỏng vấn của Công ty truyền thông Ireland Offtheball (ngày 16-4), ông Tebas không muốn những ông chủ giàu có như Qatar, đang sở hữu CLB Paris Saint-Germain, được phép tăng ngân sách CLB để chi lương hoặc chuyển nhượng cầu thủ.

Quy định FFP của UEFA nhằm bảo đảm việc các CLB đáp ứng các nghĩa vụ tài chính và có một môi trường tài chính lành mạnh. Vì thế, việc quản lý để các CLB không lợi dụng cuộc khủng hoảng do Covid-19 và “lách luật” là điều mà cơ quan quản lý bóng đá châu Âu rất lưu tâm. Theo số liệu mới nhất của UEFA, sau khi thực hiện FFP, các CLB châu Âu đã có khoản lãi ròng 140 triệu Euro trong năm 2018 so với khoản lỗ đến 1,163 tỷ Euro năm 2009, trước khi thực hiện FFP.

Để bảo đảm quy tắc FFP không bị xáo trộn, khi các CLB ổn định sau Covid-19, chủ sở hữu không thể tự do đầu tư tài chính vào các CLB và các CLB tranh tài tại UCL, UEL không được chi tiêu nhiều hơn nguồn thu. Nếu không, CLB đó sẽ phải nhận án phạt nặng như Man City với việc cấm tham gia Cúp châu Âu 2 mùa cùng khoản tiền phạt lên đến 30 triệu Euro, do những vi phạm về FFP giai đoạn 2012-2016.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.