Thể thao
Nhật Bản đề xuất xét nghiệm đối với VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 15-9, Chính phủ Nhật Bản đã công bố phương án quản lý xuất nhập cảnh, cho phép các vận động viên nước ngoài nhập cảnh nước này để tham gia Olympic và Paralympic Tokyo 2020, được lùi đến mùa Hè năm 2021 do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Biểu tượng của Olympic Tokyo 2020 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 27-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo đề xuất của Chính phủ Nhật Bản, các vận động viên sẽ phải xét nghiệm Covid-19 ít nhất 5 lần, đồng thời phải nộp bản cam kết và kế hoạch hoạt động tại Nhật Bản. Quyết định cuối cùng về việc này, trong đó bao gồm các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm, sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua trong Hội nghị điều phối của chính phủ nước này thời gian tới.
Các vận động viên phải cung cấp giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành, sau đó sẽ tiếp tục được xét nghiệm khi nhập cảnh tại sân bay, khu tập luyện, làng vận động viên và trước khi thi đấu. Ngoài ra, các vận động viên cũng sẽ được xét nghiệm định kỳ theo thời gian lưu trú tại Nhật Bản.
Quy định xét nghiệm cũng sẽ được áp dụng đối với những cá nhân có tiếp xúc với vận động viên và ban tổ chức đại hội thể thao. Các vận động viên Nhật Bản cư trú trong nước cũng phải xét nghiệm tối thiểu 3 lần. Chính quyền các địa phương nơi có các làng vận động viên và địa điểm thi đấu sẽ chịu trách nhiệm tiến hành xét nghiệm. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin để Ban tổ chức đại hội có thể nhanh chóng nắm bắt được kết quả xét nghiệm của các vận động viên.
Sau khi nhập cảnh Nhật Bản, các vận động viên được cho phép hoạt động trong khoảng thời gian 14 ngày cách ly, do đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu các vận động viên nộp bản cam kết và kế hoạch hành động ghi rõ địa điểm cư trú, phương tiện di chuyển... trong thời gian này. Ban tổ chức sẽ bố trí bộ phận quản lý đoàn vận động viên từng quốc gia và sẽ xem xét các biện pháp xử lý vi phạm nhằm tăng hiệu quả quản lý.
Theo TTXVN