Tìm giải pháp cho V-League 2021

.

Theo kế hoạch từ rất sớm của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), mùa giải 2021 sẽ bắt đầu bằng trận tranh Siêu Cúp quốc gia 2020 giữa đương kim vô địch V-League 2020 Viettel và đương kim Vô địch Cúp quốc gia 2020 Hà Nội FC, tổ chức vào ngày 30-1-2021.

Những thay đổi thể thức thi đấu khiến SHB Đà Nẵng (áo cam) là một trong những đội bóng chịu thiệt thòi nhất tại V-League 2020.           Ảnh: ANH VŨ
Những thay đổi thể thức thi đấu khiến SHB Đà Nẵng (áo cam) là một trong những đội bóng chịu thiệt thòi nhất tại V-League 2020. Ảnh: ANH VŨ

Cúp quốc gia khởi tranh từ ngày 5-2 đến ngày 30-9. Đồng thời, giải Vô địch quốc gia (V-League 1) và giải hạng Nhất quốc gia (V-League 2) 2021 vẫn được tiến hành theo thể thức của mùa giải 2020.

Trong đó, giai đoạn 1 giải V-League 2021 khởi tranh từ ngày 16-1. Sau đó, 8 đội nhóm A (tranh huy chương) thi đấu đến ngày 19-9 và 6 đội nhóm B (tranh trụ hạng) thi đấu đến ngày 22-8. Với V-League 2 sẽ khởi tranh từ ngày 17-1 và ở giai đoạn 2, nhóm A (8 đội tranh suất lên hạng) kết thúc ngày 18-9; nhóm B (6 đội tranh trụ hạng) kết thúc ngày 21-8. Cũng theo dự kiến của VPF, mùa giải 2021 có thể có trận play-off giữa đội xếp thứ nhì V-League 2 và đội xếp thứ 13 V-League 1, chọn đội thắng để dự V-League 1 2022.

Theo lý giải của VPF, trong năm 2021, bóng đá Việt Nam phải thi đấu rất nhiều giải quốc tế khi đội tuyển quốc gia phải thi đấu vòng loại (thứ 2) World Cup 2022, AFF Cup 2020 (dự kiến diễn ra từ ngày 11-4 đến 8-5-2021); đội tuyển U23 thi đấu vòng loại giải Bóng đá Vô địch U23 châu Á 2022, SEA Games 31 (2021) cũng như Việt Nam có 3 đại diện tham gia tranh tài các Cúp châu Á 2021. Riêng đội tuyển Việt Nam sẽ có 5 đợt tập trung để chuẩn bị cho các trận đấu quan trọng trong năm. Vì thế, rất khó để duy trì thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt, với 26 trận cho mỗi đội khi quỹ thời gian dành cho các đội tuyển không nhiều, cũng như khiến những tuyển thủ quốc gia sẽ bị quá tải với lịch thi đấu dày đặc. Dù dự kiến của VPF còn phải được sự chấp thuận của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới được thông qua nhưng không hẳn, phương thức thi đấu này nhận được sự ủng hộ của các đội bóng.

Giám đốc Kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ (Dược Nam Hà Nam Định) lẫn HLV Hồng Lĩnh Hà Tĩnh Phạm Minh Đức vẫn muốn duy trì thể thức truyền thống như các giải vô địch hàng đầu thế giới đang áp dụng. Trong khi đó, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cũng đồng tình khi cho rằng, thể thức thi đấu của V-League 2020 chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh. Sức hấp dẫn của những vòng đấu cuối cùng của V-League 2020, thực chất chỉ là những trùng hợp ngẫu nhiên. Thể thức của một giải Vô địch vẫn không thể thay đổi. Ông Bùi Xuân Hòa cho biết: "Nếu muốn dành quỹ thời gian cho các đội tuyển và tạo thêm sức hấp dẫn cho giải, có thể, VPF nên chia 14 đội thành 2 bảng, thi đấu vòng tròn 2 lượt, chọn 2 đội nhất - nhì mỗi bảng vào đá bán kết, tranh hạng ba và chung kết. Đồng thời, 2 đội xếp cuối mỗi bảng đá play-off để chọn 1 đội xuống hạng". Từ những ý kiến của đại diện các CLB, dù quan tâm đến các đội tuyển Việt Nam nhưng VFF và VPF cũng cần lưu ý đến quyền lợi của các CLB bởi chính các CLB là nguồn cung cấp cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia, chứ không phải là ngược lại!

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.