Thay đổi để vượt qua khó khăn tài chính

.

Ngay trước thềm mùa giải mới, việc CLB V-League 1 (giải Vô địch quốc gia) Than Quảng Ninh đang đối mặt với quá nhiều khó khăn và có thể bị giải tán, đã khiến làng bóng đá Việt Nam bị rúng động. Ở giải hạng Nhất (V-League 2), Khánh Hòa cũng gặp những khó khăn tương tự khi các cầu thủ chỉ được nhận 45% tiền lương tháng trong giai đoạn không thi đấu.

Thậm chí, ngay trong giai đoạn đang thi đấu tại giải hạng Nhất 2020, Khánh Hòa từng buộc phải chuyển nhượng 3 trụ cột để có tiền trả lương cho cầu thủ. Trong khi đó, ngay sau khi giành quyền thăng hạng, CLB Gia Định đã xin rút khỏi giải hạng Nhất 2021 để ở lại hạng Nhì. Được biết, nhiều khả năng do CLB không tìm ra được nhà tài trợ với khoản kinh phí hoạt động tối thiểu 25 tỷ đồng theo quy định, so với kinh phí chỉ chừng hơn 2 tỷ đồng ở giải hạng Nhì, nên xin rút lui.

Những khó khăn tài chính đang đặt các cầu thủ Than Quảng Ninh (áo xanh) trước một tương lai bất định. Ảnh: ANH VŨ
Những khó khăn tài chính đang đặt các cầu thủ Than Quảng Ninh (áo xanh) trước một tương lai bất định. Ảnh: ANH VŨ

Thực ra, việc các CLB thuộc V-League (các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam không phải là chuyện hiếm. Trong 10 năm trở lại đây, lần lượt Xi măng The Vissai Ninh Bình, Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội, Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, Navibank Sài Gòn lần lượt được “khai tử”. Điểm chung nhất của các đội bóng nói trên là việc bị lệ thuộc hoàn toàn vào một nhà tài trợ. Vì thế, khi các ông bầu ngừng rót tiền nuôi đội bóng hoặc chia tay bóng đá, các CLB sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và việc giải thể là tất yếu.

Tại V-League, hầu hết các CLB đều đang phụ thuộc vào hai nguồn tài chính với ngân sách địa phương hoặc của một nhà tài trợ. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cũng như sự tồn tại của một CLB chuyên nghiệp. Trong đó, tiêu biểu là Sông Lam Nghệ An - phụ thuộc vào ngân sách và một phần tài trợ, dẫn đến việc, đội bóng này trở thành “nguồn cung” cầu thủ cho các CLB V-League do không đủ nguồn lực tài chính để giữ chân những trụ cột.

Không hẳn những người lãnh đạo các CLB không nhận thức được việc lệ thuộc vào một nhà tài trợ sẽ mang lại rất nhiều rủi ro cho sự tồn tại của đội bóng. Được biết, sau mỗi mùa giải, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thường xuyên tổ chức cho lãnh đạo các CLB V-League đi tham quan, học tập mô hình bóng đá chuyên nghiệp ở các cường quốc bóng đá châu Á lẫn châu Âu. Tuy nhiên, giữa việc đi tham quan, học tập và áp dụng vào thực tế bóng đá Việt Nam vẫn là một khoảng cách quá lớn. Ngay như Hà Nội FC, một trong những thế lực thực sự của bóng đá Việt Nam cũng không thể tìm được một nhà tài trợ mới, sau khi Tập đoàn SCG (Thái Lan) kết thúc hợp đồng tài trợ vào năm 2019.

Cũng thật oái oăm khi một hãng hàng không Việt Nam lại sẵn sàng tài trợ cho đương kim vô địch Thái Lan (Thai League 1) Chiangrai United để cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không cho các cầu thủ, HLV và nhân viên CLB di chuyển trong khuôn khổ Thai League 1. Với nhà tài trợ mới, Chiangrai United đã có 19 thương hiệu đổ tiền cho họ. Còn Buriram United, một CLB khác của Thai League 1, có đến 29 nhà tài trợ ở mùa giải 2020. Có lẽ, đến lúc cả VFF, VPF lẫn các CLB phải nhìn lại cách làm bóng đá của mình và học hỏi từ bóng đá Thái Lan. Nếu không, nỗi lo đầu tiên là “tiền đâu” vẫn là lực cản cho các bước phát triển cũng như sự tồn tại của từng CLB.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích