Thể thao Đà Nẵng nỗ lực vượt khó

.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2020, VĐV các đội tuyển Đà Nẵng vẫn gặt hái những thành tích khả quan trên đấu trường thể thao trong nước khi giành được 215 HCV, 205 HCB và 313 HCĐ. Trong đó, các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic đạt gần 54% tổng số huy chương với 116 HCV, 112 HCB, 156 HCĐ.

Do những khó khăn về kinh phí lẫn dịch bệnh, cùng với Kim Sơn, Hoàng Quý Phước (ảnh) là 1 trong 2 VĐV được Đà Nẵng quan tâm đầu tư trong năm 2021 để hướng đến mục tiêu giành HCV tại SEA Games 31.  Ảnh: ANH VŨ
Do những khó khăn về kinh phí lẫn dịch bệnh, cùng với Kim Sơn, Hoàng Quý Phước (ảnh) là 1 trong 2 VĐV được Đà Nẵng quan tâm đầu tư trong năm 2021 để hướng đến mục tiêu giành HCV tại SEA Games 31. Ảnh: ANH VŨ

Bước vào năm 2021 với nhiệm vụ đóng góp 8-10 VĐV cho đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 (2021) và chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội Thể dục - Thể thao (TD-TT) toàn quốc lần thứ 9 (2022), Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV thành phố có những định hướng cụ thể. Trong đó, giành 155 HCV, 165 HCB, 150 HCĐ ở 114 giải đấu quốc gia và dự kiến cử 37 đội thể thao tập huấn trong nước, cử 2 VĐV bơi lội Hoàng Quý Phước cùng Nguyễn Hữu Kim Sơn tập huấn tại Hungary. Đồng thời, tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh cũng như nguồn kinh phí thực tế của ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa, sẽ có 67 lượt VĐV, 97 lượt HLV tham gia các giải đấu quốc tế. Đối với những VĐV thi đấu trong thành phần đội tuyển quốc gia hay đội tuyển Trẻ quốc gia, Tổng cục TD-TT sẽ lo kinh phí hoặc kết hợp nguồn kinh phí của thành phố.

Thế nhưng, theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Nguyễn Đông Hải, các đội tuyển phải đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn kinh phí được cấp không đáp ứng thực tế. Theo kế hoạch, nguồn kinh phí thi đấu trong năm 2021 của Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV là 7,1 tỷ nhưng chỉ được cấp 3,5 tỷ đồng. Đồng thời, kế hoạch tập huấn của 2 VĐV Hoàng Quý Phước và Nguyễn Hữu Kim Sơn cần 6,3 tỷ đồng, song chỉ được cấp 4,2 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thi đấu hạn chế sẽ chỉ đủ phục vụ cho các giải Vô địch quốc gia và giải Vô địch Trẻ quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV rất khó hoàn thành nhiệm vụ mà thành phố giao cho thể thao thành tích cao Đà Nẵng (giai đoạn 2021-2030).

Một khó khăn khác mà ngành TD-TT thành phố phải đối diện là việc những VĐV xuất sắc không còn khát vọng khi được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Một VĐV (xin được giấu tên) thừa nhận: "Nếu trước kia, khi được tập trung đội tuyển, chúng tôi nhận được tiền ăn và tiền công của địa phương là 400.000 đồng/người/ngày cùng tiền ăn và tiền công khi lên đội tuyển là 590.000 đồng/người/ngày. Ở địa phương, chúng tôi sẽ nhận được tiền ăn nếu không báo ăn tập thể cùng với tiền công, xem như một khoản tích lũy cho mình. Nhưng khi được tập trung đội tuyển, toàn bộ tiền ăn, tiền công ở địa phương cũng bị cắt. Vì thế, khi không còn những khoản tích lũy như thế, chúng tôi hết sức băn khoăn nếu nghĩ đến tương lai".

Ông Nguyễn Đông Hải thừa nhận: "Chúng tôi chia sẻ nỗi âu lo của các VĐV. Song với những quy định từ Nghị định 152/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ, việc giữ lại chế độ cho các VĐV địa phương khi tập trung đội tuyển không còn phù hợp. Để có thể giải quyết những khó khăn cho các VĐV là tuyển thủ quốc gia, chúng tôi có báo cáo và lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao đã ghi nhận để đề xuất cùng lãnh đạo thành phố nhằm có những chính sách phù hợp, góp phần tạo động lực tốt hơn cho đội ngũ HLV và lực lượng VĐV".

Năm 2015, Đà Nẵng từng ban hành văn bản quy định chế độ tiền thưởng cho các HLV, VĐV có thành tích thể thao xuất sắc. Tuy nhiên, chế độ ấy không còn phù hợp thực tế và hiện nay chỉ bằng 1/5 mức khen thưởng của nhiều địa phương trong cả nước như Thái Bình, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế… Tất cả đều đang chờ đợi lãnh đạo thành phố cũng như Sở Văn hóa và Thể thao có những động thái cần thiết để tạo điều kiện tốt nhất có thể, giúp thể thao Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích