Ngay trước ngày khai mạc, Tokyo 2020 rơi vào khủng hoảng khi Giám đốc điều hành Tokyo 2020 Toshiro Muto thừa nhận, không loại trừ việc hủy bỏ sự kiện này vào phút chót, trong bối cảnh các ca dương tính với SARS-CoV-2 gia tăng.
Giám đốc Điều hành Tokyo 2020 Toshiro Muto thừa nhận, không loại trừ khả năng hủy bỏ sự kiện Tokyo 2020 khi tình trạng lây nhiễm virus đang gia tăng tại thành phố Tokyo. Ảnh: Thetimeshub |
Chỉ trong 20 ngày kể từ ngày 1-7, có 67 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là những người có liên quan đến Olympic Tokyo. Lo ngại trước khả năng bùng phát dịch bệnh, ngày 20-7, những nhà tài trợ hàng đầu của Tokyo 2020 như Panasonic Corp, Fujitsu Ltd và NEC Corp cho biết không tham dự lễ khai mạc diễn ra vào ngày 23-7. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, công chúng Nhật Bản ngày càng lo ngại khi việc tổ chức sự kiện với hàng chục nghìn VĐV, quan chức, nhà báo nước ngoài khiến tỷ lệ lây nhiễm - nhất là các biến thể mới, có thể tăng cao hoặc nguy hiểm hơn.
Dù Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach từng khẳng định sẽ bảo đảm việc tổ chức Tokyo 2020 an toàn nhưng nhiều chuyên gia nhìn thấy những lỗ hổng trong việc thực hiện “bong bóng” Tokyo 2020. Khi nhập cảnh Nhật Bản, các thành viên liên quan sự kiện phải có kết quả xét nghiệm âm tính; buộc phải hoạt động trong phạm vi được quy định với quy trình khép kín, không được tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào ngoài quy định và chỉ được di chuyển từ sân bay đến nơi ở, từ nơi ở đến địa điểm tập luyện, thi đấu rồi về lại nơi ở. Phát biểu trên kênh tin tức CAN, Tiến sĩ Kenji Shibuya, cựu Giám đốc Viện Sức khỏe dân số thuộc Đại học King’s College London thừa nhận: “Rõ ràng, hệ thống “bong bóng” đã bị vỡ! Mối quan tâm lớn nhất của tôi là việc có thể xuất hiện một ổ bệnh ngay bên trong Làng Olympic hay một số nơi ở của các đoàn thể thao hoặc khi VĐV giao lưu với người dân địa phương”. Tiến sĩ Shibuya còn cho biết, việc không thể kiểm tra đầy đủ tại sân bay và không thể kiểm soát việc di chuyển của những thành viên liên quan đến Tokyo 2020 có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của chủng Delta. Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Shibuya, tuyên bố của Chủ tịch IOC Thomas Bach về một kỳ Olympic “không lây nhiễm dịch bệnh” chỉ khiến mọi người thêm tức giận vì thực tế hoàn toàn trái ngược. Hồi tháng 4, chính Tiến sĩ Shibuya - đồng tác giả một bài bình luận trên Tạp chí Y khoa Anh, từng đề nghị cần “xem xét lại” việc tổ chức Tokyo 2020 do Nhật Bản không có khả năng ngăn chặn sự phát tán của virus.
Theo hãng tin Reuters, bà Seiko Hashimoto, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Tokyo 2020 nói rằng, không nhất thiết phải đưa ra các biện pháp an toàn để trấn an công chúng và bà biết rằng, sự ủng hộ của người dân dành cho Tokyo 2020 đã giảm rất lớn.
Trong một cuộc thăm dò của nhật báo Asahi, 68% người được hỏi bày tỏ nghi ngờ về khả năng của những nhà tổ chức trong việc kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh và 55% phản đối việc tổ chức sự kiện này. Sau khi Tokyo ghi nhận 1.387 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 20-7, phát biểu cùng CNN, Giám đốc Điều hành Tokyo 2020 Toshiro Muto cho biết, ông theo dõi tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát tại Tokyo và thường xuyên liên lạc với các nhà tổ chức: “Chúng tôi không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra trước các ca nhiễm mới. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục thảo luận nếu có sự gia tăng đột biến. Dựa trên tình hình thực tế, chúng tôi triệu tập một cuộc họp 5 bên gồm IOC, Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC), Ủy ban Tổ chức Tokyo 2020, Chính phủ Nhật Bản và chính quyền thành phố Tokyo. Vào thời điểm này, các trường hợp nhiễm Covid-19 có thể biến động, cho nên chúng tôi sẽ suy nghĩ về những gì cần làm khi có tình huống phát sinh ”.
NGUYÊN AN