Phát triển bền vững thể thao thành tích cao

.

Những năm qua, thành phố khẳng định vị thế là một trong những địa phương có phong trào thể dục - thể thao phát triển mạnh khi đạt thành tích cao tại các kỳ đại hội toàn quốc cũng như các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, để thể thao thành tích cao phát triển bền vững, thành phố cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng vận động viên (VĐV), huấn luận viên (HLV) lâu dài trong bối cảnh khó thu hút nhân tài.

Để phát triển bền vững, thành phố cần sớm triển khai kế hoạch đa dạng hóa đào tạo vận động viên, hình thành và ổn định hệ thống đào tạo thể thao thành tích cao. Ảnh: P.N
Để phát triển bền vững, thành phố cần sớm triển khai kế hoạch đa dạng hóa đào tạo vận động viên, hình thành và ổn định hệ thống đào tạo thể thao thành tích cao. Ảnh: P.N

Thành tích ấn tượng

Theo ông Lê Nguyễn Tường Lân, Trưởng phòng Quản lý huấn luyện - Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV thể dục thể thao Đà Nẵng, hiện thể thao thành tích cao thành phố có 580 VĐV tập luyện và thi đấu 34 môn, trong đó có 4 môn tập thể. Những năm qua, thành phố duy trì ổn định ưu thế tại các giải vô địch quốc gia ở các nội dung thế mạnh như: điền kinh, bơi, canoe, kayak, rowing, taekwondo, jujitsu, pencak-silat, billiards, kickboxing, võ cổ truyền, bóng đá bãi biển và lặn. Ngoài ra, các VĐV cũng nỗ lực đạt thành tích khả quan tại các giải châu Á như: Huy chương Vàng các môn: rowing, lặn, thể hình; Huy chương Bạc môn taekwondo… Đặc biệt, tại SEA Games 31, đoàn thể thao Đà Nẵng đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay với 13 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng.

Ông Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV thể dục thể thao Đà Nẵng cho biết, có được những thành tích trên, ngoài sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các HLV, còn có sự đoàn kết, nỗ lực của tất cả VĐV. Quyết định số 5094/QĐ-UBND của UBND thành phố phê duyệt Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao Đà Nẵng giai đoạn 2021-2035, tầm nhìn đến 2045 được ban hành với định hướng phát triển cụ thể, giải pháp thực hiện và sự đầu tư mạnh mẽ để đạt được mục tiêu lớn hơn cho thể thao Đà Nẵng nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng đã tạo sự phấn khởi, động lực phấn đấu mạnh mẽ cho các VĐV, HLV và những người làm công tác thể thao.

Bên cạnh, với sự quan tâm của các cơ quan có thẩm quyền, các chế độ chính sách dành cho các HLV, VĐV được triển khai áp dụng kịp thời theo quy định. Hiện mỗi VĐV đội tuyển thành phố có chế độ dinh dưỡng 240.000 đồng/ngày và tiền lương 180.000 đồng/ngày; các VĐV đội tuyển trẻ thành phố có chế độ dinh dưỡng 200.000 đồng và tiền lương 75.000 đồng/ngày.

Nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện

Trong Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao Đà Nẵng giai đoạn 2021-2035, tầm nhìn đến 2045, kế hoạch thu hút VĐV, HLV chất lượng cao là mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, ngoại trừ 16 - 18 HLV hợp đồng hằng năm theo quyết định của UBND là những người có thời gian dài làm việc với thể thao Đà Nẵng, gia đình hiện đang sinh sống tại đây thì thành phố không thể thu hút được HLV, VĐV tài năng nào thêm trong ít nhất 5 năm qua.

Lý do, mặt bằng lương để thuê HLV trong nước có trình độ cao, từng huấn luyện VĐV đạt thành tích vô địch quốc gia, khu vực tối thiểu 25 triệu đồng/tháng, trong đó chưa bao gồm tiền dinh dưỡng thường xuyên, các chi phí đi lại. Trong khi đó, khả năng chi trả chỉ khoản từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng, cộng với chế độ dinh dưỡng thường xuyên. Bên cạnh, với việc thu hút VĐV, khả năng chi trả hợp đồng VĐV tài năng cũng chỉ tối đa trong khoản 15 triệu đồng/tháng, cộng với chế độ dinh dưỡng thường xuyên, chế độ khen thưởng và đãi ngộ nếu đạt thành tích theo quy định chung. Chế độ này đáp ứng 50% so với mặt bằng chung hiện nay khi muốn thu hút một VĐV tài năng. Riêng với việc thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, kinh nghiệm huấn luyện lâu năm, việc chi trả lương 2.500 USD/tháng, cộng với dinh dưỡng thường xuyên là ngoài khả năng.

Ông Nguyễn Đông Hải cho rằng, căn cứ Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao Đà Nẵng giai đoạn 2021-2035, tầm nhìn đến 2045, để khắc phục những khó khăn trước mắt, thành phố cần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo. Theo đó, cần  hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu; tập trung đầu tư trọng điểm VĐV chủ lực và trẻ tiềm năng. Đặc biệt, sớm xây dựng và triển khai kế hoạch đa dạng hóa đào tạo VĐV, phối hợp các đơn vị quận, huyện, cơ sở thể thao tư nhân, hiệp hội thể thao thành phố, các vệ tinh ngoài thành phố để hình thành hệ thống đào tạo thể thao thành tích cao ngày càng ổn định và phát triển. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng VĐV, HLV hằng năm với sự hỗ trợ của các chuyên gia trình độ cao trong và ngoài nước.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.