Bóng đá Việt Nam
Sống chung với bóng đá chưa sạch
Chuyện đá thật hay đá giả, trung thực hay gian dối cùng căn bệnh lưu cữu của bóng đá Việt Nam là liên minh, móc ngoặc, chia điểm lại rộ lên vừa lúc mùa giải kết thúc. Khác với mọi năm, lần này không khí nhìn thẳng sự thật giúp nhiều người bạo miệng ra trò.
Các trận đấu tại V.League 2010 diễn ra quyết liệt, căng thẳng nhưng chưa “sạch”! (Ảnh tư liệu) |
Chỗ này một huấn luyện viên vừa thở phào vì đội nhà trụ hạng an toàn huỵch toẹt rằng bóng đá ở ta mà nhắc đến yếu tố sạch thì chẳng khác nào thọc lét cho thiên hạ cười, nơi nọ một chuyên gia từng trải cả quyết rằng “Ai nói V-League sạch tức thị người đó là kẻ giả dối”. Đỉnh điểm của thái độ thức tỉnh có lẽ là nhận định của người đứng đầu VFF khi ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, theo lời thuật trên các trang báo, khẳng định rằng khái niệm bóng đá sạch ở nước mình chỉ là… tương đối.
Cả nhân vật có trách nhiệm cao nhất điều hành, hoạch định chiến lược phát triển của nền bóng đá đến những người trực tiếp tham gia vào tiến trình tổ chức mùa giải đều nhìn nhận thực tế không trung thực trong thi đấu giữa các đội, bi kịch này của bóng đá Việt Nam hẳn không thể làm an tâm những ai tâm huyết với tương lai môn thể thao vua.
Bảo bóng đá không thể sạch hoặc quả quyết rằng khái niệm trung thực chỉ tồn tại trong ước mơ khác nào hô hào và trấn an công chúng phải biết sống chung với giả dối trong thể thao, chớ hoài công chờ đợi những giá trị liên quan đến tinh thần thượng võ. Phải chăng đây là hồi chuông báo hiệu nỗi tuyệt vọng của con người bởi thể thao vốn là mảnh đất được kỳ vọng nuôi dưỡng, ươm mầm các giá trị nhân văn, nơi công chúng chờ đợi chứng kiến nhiều hơn cả về tính công bằng, sòng phẳng, nơi mà đồng tiền lắm lúc bất lực trước nghĩa khí, tài năng và cái đẹp?
Phải biết sống chung với bóng đá bẩn, lời khẳng định thêm một lần phủ nhận các giá trị cùng bao thứ vinh quang mà nền bóng đá này gầy dựng được mấy năm qua. Những ngày này, không ít người nhắc chuyện diễn ra tại một hội nghị tổng kết bóng đá gần 10 năm trước, khi một chuyên gia lão làng thách đố ai dám tự nhận mình chơi bóng đá sạch, không liên minh, móc ngoặc, đi đêm.
Để luôn có niềm vui chiến thắng thế này, bóng đá Việt Nam cần phải gột sạch những tiêu cực đang âm ỉ nhen nhóm trong mình. (Ảnh tư liệu) |
Lần ấy, cả hội trường gồm đại diện các đội bóng thi đấu ở giải bóng đá đỉnh cao không một cánh tay nào nhúc nhích! Tức là, tùy từng mức độ, tất cả đều thừa nhận mình từng bắt tay với ma quỷ, đều ít nhất một lần lừa dối khán giả bằng các trò đi đêm, nhường điểm, bán độ để diễn kịch trên sân. Lãnh đạo câu lạc bộ không sạch thì làm sao đòi hỏi huấn luyện viên đừng ma mãnh, cầu thủ chớ bán độ! Hậu quả là chuyện mua bán, đổi chác, đi đêm trở thành mặc nhiên, không riêng ở sân cỏ trong nước mà cả trên đấu trường khu vực. Hàng loạt cầu thủ ngồi tù, nhiều huấn luyện viên, nhà quản lý phải vào vòng lao lý…
Chuyên gia lão làng từng đặt câu hỏi nhức buốt kia đã quá cố nhưng gần 10 năm sau hội nghị bóng đá lịch sử ấy, bây giờ giả sử có ai bắt chước ông để dõng dạc nhắc lại câu hỏi ấy giữa hội nghị tổng kết mùa giải 2010 thì chắc chắn cũng chẳng có cánh tay nào dám khẳng khái đưa lên. Làm sao có thể tự nhận mình sạch khi mà cả làng bóng đã biết sống chung với tiêu cực, khi mà chuyện sạch trong thao trường - ở đây là sân cỏ Việt Nam - chỉ mang ý nghĩa tương đối, nhắc đến thiên hạ sẽ cười cho!
Chẳng biết khi nhìn nhận thực tế chưa thể có bóng đá sạch, những người đứng đầu VFF có liên hệ với thực trạng khán giả ngày càng bớt mặn nồng với các giải đấu đỉnh cao? Thống kê cho thấy càng vào giai đoạn cuối, các khán đài của V-League càng thưa thớt, trống vắng. Đó là câu trả lời tử tế của công chúng, những người không chấp nhận sống chung với những sân bóng diễn kịch, những giải đấu vắng tính sòng phẳng.
Đình Xê