Y tế - Sức khỏe
Phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm
Bệnh tả là bệnh có khả năng bùng nổ thành dịch (xưa gọi là dịch tả, nay gọi là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm), do dễ lây và lây nhanh. Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính, chỉ thấy xảy ra ở người, không thấy xảy ra ở động vật. Người bệnh có các biểu hiện chính là tiêu chảy và nôn mửa ồ ạt.
Năm nay mùa hè đang đến gần và hiện đã có 8/13 tỉnh, thành xuất hiện trở lại dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, với tỷ lệ xác định dương tính cao với phẩy khuẩn tả. Tác nhân gây bệnh là một loại vi khuẩn có tên là phẩy khuẩn tả. Môi trường thích hợp cho phẩy khuẩn tả tồn tại là nước. Người ta thường thấy phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do dùng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, hoặc ăn các loại tôm, cá, cua đánh bắt được từ các nguồn nước ô nhiễm này mà không được nấu chín kỹ. Hiện nay, các thủ phạm được nghi ngờ số một là rau sống, thịt chó và mắm tôm. Nguồn lây bệnh chính là những người lành mang vi trùng, người mắc bệnh tả hoặc bệnh nhân tả đang trong thời kỳ hồi phục.
Bệnh tả có thể diễn ra nhẹ nhàng, không điển hình; biểu hiện giống như một trường hợp tiêu chảy thông thường nên rất dễ bị bỏ qua, đây chính là nguồn lây lan nghiêm trọng nhất. Những trường hợp nặng, điển hình thì bệnh diễn biến rất nhanh, với 2 biểu hiện chính là ỉa chảy và nôn mửa dữ dội; phân có màu trắng đục như nước vo gạo, trong đó lợn cợn những mảnh màu trắng, có mùi tanh nồng rất đặc biệt.
Do ỉa chảy và nôn quá nhiều nên cơ thể người bệnh mất nước trầm trọng; thân nhiệt hạ, da khô lạnh, mắt trũng sâu, má tóp, các đầu chi lạnh và nhăn nheo, giọng nói thều thào, người mệt lã, bơ phờ, tiểu ít hoặc không tiểu nhưng vẫn tỉnh táo. Bệnh tiến triển rất nhanh, từ biểu hiện tiêu chảy ban đầu đến choáng chỉ trong vòng 4 đến 12 giờ. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng mức chắc chắn có trên 50% trường hợp tử vong trong bối cảnh choáng, trụy tim mạch vì cơ thể cạn kiệt nước.
Việc điều trị nhằm bù lại nhanh chóng, đầy đủ lượng nước và chất điện giải bị mất do tiêu chảy và nôn mửa; đồng thời dùng thuốc kháng sinh diệt phẩy khuẩn tả, chặn đứng sự tiến triển của bệnh cũng như hạn chế sự lây lan. Lưu ý, tuyệt đối không dùng các loại thuốc làm ngưng sự tiêu chảy hiện bán khắp nơi trên thị trường.
Các trường hợp tiêu chảy và nôn mửa tại gia đình, cần cho người bệnh uống nhiều nước theo phương châm “mất đi bao nhiêu, bù lại bấy nhiêu”. Nước uống tốt nhất là nước hòa từ gói thuốc muối, gọi là gói Oresol (Ô-rê-dôn), hiện được phát miễn phí tại các Trạm y tế, ngoài ra còn có thể dùng nước cháo muối pha loãng. Nếu nghi ngờ mắc bệnh tả cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị.
Chất thải và đồ dùng của bệnh nhân phải được tẩy uế bằng các dung dịch sát khuẩn. Có thể dùng vôi bột rắc lên chất thải, luộc sôi quần áo và đồ dùng của họ trước khi giặt rửa. Những người tiếp xúc với bệnh nhân phải uống thuốc phòng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Kịp thời thông báo dịch cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý dịch.
Việc uống vắc-xin phòng tả là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tái phát và tránh sự lan rộng, thường chỉ thực hiện ở những nơi có nguy cơ cao, điều kiện vệ sinh kém.
Tóm lại, để đề phòng bệnh dịch tả nói riêng và các bệnh lây qua đường tiêu hóa nói chung, mọi người cần thực hiện: Ăn thức ăn nấu chín kỹ; uống nước đun sôi để nguội; dùng nguồn nước sinh hoạt sạch; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện; đồng thời, mọi người, mọi nhà tích cực diệt ruồi, xử lý tốt nguồn phân-nước-rác; tăng cường vệ sinh thực phẩm, không ăn uống bừa bãi. Chớ để cái miệng làm khổ cái thân !
Trong thời điểm đang báo động phòng chống dịch như hiện nay, tất cả các trường hợp tiêu chảy cấp, nặng đều nằm trong diện nghi ngờ và cần có sự tư vấn giám sát, theo dõi, điều trị của cán bộ y tế. Vấn đề cốt lõi của việc phòng chống dịch vẫn là ý thức phòng bệnh của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng.
Ths.Bs. Mai Hữu Phước