Cơn đau quặn thận là do sỏi nằm trong đường tiết niệu gây ra. Sỏi có thể “định cư” tại bất cứ vị trí nào của hệ thống “nhà máy lọc nước” này. Đau là do viên sỏi di chuyển làm thương tổn niêm mạc, tác động lên hệ thống thần kinh nội tạng. Đồng hành cùng cơn đau có thể là đi ra nước tiểu màu đỏ, gọi là tiểu máu.
Nhiều trường hợp siêu âm hay chụp phim X quang hệ tiết niệu xác định được nguyên nhân cơn đau quặn thận là do sỏi niệu quản gây ra. Thông thường, sỏi niệu quản được hình thành từ thận rồi di chuyển xuống bên dưới ống niệu quản (tức là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang).
Sỏi niệu quản là loại thường gặp và cũng là nguy hiểm nhất, do sỏi có khả năng gây tắc nghẽn niệu quản là con đường độc đạo vận chuyển chất thải lỏng từ thận xuống bàng quang để thải ra bên ngoài. Sự tắc nghẽn này sẽ gây hiện tượng ứ nước, ứ mủ làm thận giãn to ra và nhu mô thận bị thương tổn gây suy thận.
Nhiều trường hợp sau cơn đau quặn thận xuất hiện lần đầu tiên hay sau vài lần gây đau cho khổ chủ thì im hơi lặng tiếng. Điều này có hai nghĩa, hoặc là viên sỏi tạm thời nằm yên không gây ra khó khăn gì cho gia chủ, hoặc là cơ thể bạn đã “tống cổ” được viên sỏi theo dòng nước tiểu. Trường hợp sau quả thật là một điều may mắn cho người từng bị hành hạ vì cơn đau này. Có nhiều người để ý khi tống xuất viên sỏi ra ngoài thì giữ lại làm “kỷ niệm”.
Một số trường hợp đi siêu âm hoặc chụp phim trở lại không thấy viên sỏi tai quái nằm ở vị trí cũ, thì cũng chưa hẳn đã mừng vì có khi viên sỏi chỉ di chuyển đến định cư ở một vị trí mới mà thôi.
Nhờ sự tiến bộ của y học mà ngày nay sỏi đường tiết niệu phần lớn được loại bỏ nhờ mổ nội soi ngược dòng hay tán sỏi bằng siêu âm.
Ths.BsCKI. MAI HỮU PHƯỚC