ĐNĐT - Sáng 3-11, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng gỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với bệnh nhân Chung và cho bệnh nhân tiếp xúc với người ngoài.
Anh Chung vui vẻ khi sức khỏe tốt lên nhiều và nhận sự chăm sóc tận tình của ngành y tế Đà Nẵng (ảnh chụp sáng 3-11) |
Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới cho biết, thời điểm mới nhập viện, bệnh nhân sốt cao, được chẩn đoán là sốt rét ác tính, tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trong máu cao, rất nguy hiểm đến tính mạng. Qua hơn hai ngày điều trị, Chung đã hoàn toàn khỏi sốt và tỉnh táo.
Bệnh nhân Chung cho biết, anh về sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28-10 sau khi bay từ Guinea qua Marocco và Quatar.
Tại các sân bay ở Guinea và Marocco, hành khách đều được kiểm tra nhiệt độ bằng súng bắn nhiệt độ và máy đo thân nhiệt. Riêng tại Quatar thì không có các hình thức kiểm tra thân nhiệt trên. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách cũng được kiểm tra thân nhiệt trước khi rời sân bay nhưng lúc đó anh chưa bị sốt.
Khi được các nhân viên y tế đưa vào khu cách ly Bệnh viện Đà Nẵng vì nghi nhiễm Ebola, anh Chung không cảm thấy quá lo lắng bởi vì anh nhận thấy các triệu chứng của mình không giống một bệnh nhân Ebola, anh không vàng da, không tiêu chảy…
Theo lời kể của Chung, dịch bệnh Ebola ở Guinea và các nước lân cận lây lan rất nhanh. Bên cạnh đó, do người dân ở đây ít tiếp xúc với các thông tin về dịch bệnh, cộng với tập quán tắm cho người chết trước khi chôn nên tốc độ lan truyền bệnh nhanh chóng.
Tại Guinea, anh Chung làm việc cho một công ty chuyên chụp ảnh và chỉnh sửa ảnh. Thời gian gần đây, do kinh tế ở châu Phi khó khăn cộng với ảnh hưởng của dịch Ebola nên anh và người bạn làm cùng công ty đã quyết định về Việt Nam sinh sống.
Thu Hoa