.

Phòng dịch Ebola: Giám sát chặt chẽ, tăng cường phối hợp giữa các cửa khẩu

.

Anh Chu Văn Chung (SN 1988, quê Thanh Hóa) từ Guinea về Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) rồi đến Đà Nẵng, nhưng sân bay Đà Nẵng không hay biết anh vừa trở về từ vùng dịch Ebola, cho đến khi anh bị sốt và cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ. Đây là một lỗ hổng trong phối hợp giám sát dịch bệnh giữa các tỉnh có cửa khẩu quốc tế.

Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế thành phố Đà Nẵng trực 24/24 tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế thành phố Đà Nẵng trực 24/24 tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng sáng 3-11, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho rằng nếu Sân bay Đà Nẵng được báo thông tin có hành khách vừa trở về từ vùng dịch sớm hơn thì việc theo dõi sức khỏe anh Chung không bất ngờ, bị động và vất vả như những ngày qua.

* Thưa bà, sau hai ngày xử lý tình huống phát hiện bệnh nhân nghi nhiễm Ebola trên địa bàn Đà Nẵng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã rút ra những điều gì cần điều chỉnh để công tác phòng dịch về sau tốt hơn?

- Chúng tôi nhận thấy quan trọng nhất trong phòng dịch Ebola là việc giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đặc biệt là sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố có cửa khẩu đường bộ, đường cảng biển và hàng không quốc tế. Các địa phương phải giám sát, thông tin kịp thời cho nhau để việc theo dõi người từ vùng dịch trở về thông suốt. Tại Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thành phố chủ động giám sát hành khách ở các ga đi và ga đến quốc tế. Tuy nhiên, đối với ga quốc nội chưa thể thực hiện việc giám sát lịch trình của tất cả hành khách mà cần sự phối hợp của cửa khẩu quốc tế từ những địa phương khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Trường hợp anh Chu Văn Chung, khi đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, theo quy định, đã được làm tờ khai y tế đối với người đi về từ vùng dịch. Lúc đó, anh chưa phát sốt. Tuy nhiên, thông tin từ tờ khai y tế này chưa đến được với phía Đà Nẵng kịp thời. Nếu biết hành khách vừa trở về từ vùng dịch, tại sân bay, cán bộ y tế Đà Nẵng sẽ tiếp cận và đến tận chỗ ở của hành khách để tư vấn, có kế hoạch theo dõi và giám sát sức khỏe, chứ không để xảy ra tình huống như vừa qua.

Để việc phòng dịch tốt hơn, chúng tôi đã và sẽ rà soát lại toàn bộ nhu cầu của Bệnh viện Đà Nẵng nói riêng và các cơ sở y tế nói chung tham gia trong phòng chống dịch Ebola. Trước mắt, Sở Y tế tham mưu cho UBND thành phố trang bị đủ phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế, chuẩn bị sẵn sàng các vật tư y tế và máy móc chuyên biệt điều trị bệnh dịch này. Máy ECMO (máy tuần hoàn ngoài cơ thể) và máy siêu lọc máu với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng sẽ sớm được trang bị cho đơn vị nhận trách nhiệm chữa trị bệnh Ebola.

Qua phương tiện báo chí, chúng tôi cũng mong muốn chia sẻ đến người dân một thông tin: bệnh Ebola chỉ lây khi người bệnh có biểu hiện phát bệnh ra bên ngoài, cụ thể đầu tiên là biểu hiện sốt. Nhưng việc lây cũng chỉ xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của bệnh nhân. Còn trong thời gian ủ bệnh 21 ngày, người có mầm bệnh không dễ lây virus Ebola cho cộng đồng. Do đó, người dân không nên quá hoang mang lo lắng, thay vào đó là tích cực rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh cao là những cách phòng bệnh hiệu quả.

Anh Chu Văn Chung hoàn toàn khỏi sốt

Sáng 3-11, khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng gỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với bệnh nhân Chung và bệnh nhân được tiếp xúc với người ngoài. Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, cho biết thời điểm mới nhập viện, bệnh nhân sốt cao, được chẩn đoán sốt rét ác tính, tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trong máu cao, rất nguy hiểm đến tính mạng. Qua hơn 2 ngày điều trị, anh Chung đã hoàn toàn khỏi sốt và tỉnh táo.

Anh Chung cho biết, anh về sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-10 sau khi bay từ Guinea qua Maroc và Qatar. Tại các sân bay ở Guinea và Maroc, hành khách đều được kiểm tra nhiệt độ bằng súng bắn nhiệt độ và máy đo thân nhiệt. Riêng tại Qatar không có các hình thức kiểm tra thân nhiệt trên. Tại Sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách cũng được kiểm tra thân nhiệt trước khi rời sân bay nhưng lúc đó anh chưa bị sốt.

Khi được các nhân viên y tế đưa vào khu cách ly vì nghi nhiễm Ebola của Bệnh viện Đà Nẵng, anh Chung không cảm thấy quá lo lắng bởi vì anh nhận thấy các triệu chứng của mình không giống bệnh nhân Ebola như không vàng da, không tiêu chảy… Theo lời kể của anh Chung, dịch bệnh Ebola ở Guinea và các nước lân cận lây lan rất nhanh. Bên cạnh đó, do người dân ở đây ít tiếp xúc với các thông tin về dịch bệnh, cộng với tập quán tắm cho người chết trước khi chôn nên tốc độ lan truyền bệnh nhanh chóng.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.
.