Y tế - Sức khỏe
Khi con chưa thể gọi mẹ
Những đứa bé thoạt nhìn rất khỏe mạnh, xinh xắn nhưng lại không biết gọi mẹ, không thể giao tiếp... Việc phát hiện và can thiệp kịp thời của cha mẹ, các kỹ thuật và chuyên viên tâm lý rất quan trọng để các em có thể hòa nhập cộng đồng.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng giúp trẻ điều trị tâm lý qua các trò chơi. |
Nỗ lực...
Bé N.A.M (ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) dù đã 4 tuổi nhưng vẫn chưa thể bi bô gọi mẹ và thường la hét khi gặp người lạ… “Khi sinh ra, bé rất khỏe mạnh nhưng thường ít thể hiện cảm xúc. Chúng tôi cứ nghĩ mỗi đứa trẻ mỗi khác, cứ từ từ rồi con cũng nói được. Ai ngờ, 3-4 tuổi bé vẫn chưa gọi được tiếng mẹ”, chị Lê Thu Thảo, mẹ bé M., nói trong nước mắt.
M. không chịu ra ngoài, lúc nào cũng chỉ ôm lấy mẹ, giao tiếp bằng mắt hầu như không có… Ngay khi tiếp nhận bé M., cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) đã phối hợp với gia đình đánh giá sự phát triển của bé, nhìn nhận đúng vấn đề bé đang gặp phải để có biện pháp can thiệp thích hợp.
Trong 2 tháng đầu, bé khóc, la hét và không hợp tác với cán bộ Trung tâm. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của gia đình và sự kiên trì của các cán bộ, kỹ thuật viên, bé đã bắt đầu ngồi vào bàn, chơi các trò chơi liên quan đến xếp hình, nặn đất, cầu trượt… Dần dần, M. ghi nhớ được các yêu cầu, các thao tác khi thực hiện bài tập, biết sắp xếp đồ chơi khi kết thúc hoạt động. Việc hỗ trợ ngôn ngữ cho bé là điều khó nhất và mất nhiều công sức.
“Nhiều khi chúng tôi dạy bé được 1 âm thì ngay những lần sau bé lại quên ngay. Có khi cả tuần mới học xong 1 âm”, anh Vũ Ngọc Duy, cán bộ Trung tâm cho biết. Bên cạnh đó, anh Duy đã tư vấn cho gia đình về những hoạt động nhằm kích thích khả năng nói của trẻ như: chơi với trẻ, cho trẻ ăn, tắm, đi chơi công viên... Sau những tháng ngày tập luyện mệt nhoài, những giọt mồ hôi ướt đầm áo mẹ, những ánh mắt tràn đầy hy vọng của cha khi bé bập bẹ gọi mẹ, những nỗ lực của cán bộ Trung tâm, bé M. đã nói được những câu đơn giản như: “Cho con xin”, “Xin cảm ơn”, “Chào chú”...
Tương tự, bé N.Q.V (6 tuổi, ở tỉnh Quảng Nam) cũng là một trường hợp như vậy. Do công việc bận rộn nên ba mẹ đã gửi bé cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Rồi bé bước vào lớp 1 nhưng vốn từ hầu như không có. Bé không thể diễn tả được ý muốn của mình bằng lời nói, không thể gọi mẹ, gọi ba. Gia đình đã đưa bé V. đi khám và được chẩn đoán là chậm ngôn ngữ.
Sau đó, bé đã được đưa đến Trung tâm. Để thúc đẩy khả năng ngôn ngữ của trẻ, cán bộ Trung tâm cũng từ từ tác động thông qua các trò chơi như: bắt chước tiếng kêu con vật, nói tên con vật, đồ vật… Cán bộ Trung tâm đã động viên, khuyến khích bé bằng các hành động đơn giản như: vỗ tay, vỗ vai, xoa đầu, tặng quà, bánh… để giúp bé mạnh dạn, tự tin hơn.
Bé V. cũng dần học cách phát âm, ghép từ và nói được những câu đơn giản như: “Chào chú con về”, “Hẹn gặp lại”, “Chào mẹ con đi học về”… Mẹ bé V. cũng được hỗ trợ để thoát khỏi những khủng hoảng về tâm lý, cùng phối hợp trong việc điều trị cho con. Sau 3 tháng, bé V. đã có sự thay đổi tích cực, vốn từ tăng lên rõ rệt, mạnh dạn, tự tin, đến lớp và hòa nhập được với bạn bè...
Gia đình đóng vai trò quan trọng
Khác với các cơ sở y tế, mô hình “3 trong 1” dành cho trẻ em bị rối nhiễu tâm trí, do Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng thực hiện với sự tài trợ của UNICEF Việt Nam là cách phối hợp đồng bộ cả ba hoạt động: can thiệp trị liệu cho trẻ, tham vấn tâm lý cho phụ huynh và trợ giúp xã hội cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn nếu cần. Đây cũng là mô hình thí điểm phòng trị liệu rối nhiễu tâm trí theo định hướng Đề án 1215 của Chính phủ do Trung tâm thực hiện.
Bên cạnh việc đánh giá các chỉ số phát triển tâm lý, căn cứ kết luận của bác sĩ, Trung tâm cùng phụ huynh lên kế hoạch can thiệp, hỗ trợ trị liệu tâm lý, hành vi cho trẻ; đồng thời, hướng dẫn phụ huynh những kỹ năng chăm sóc và cùng can thiệp, phối hợp hỗ trợ trẻ tại gia đình.
Thông qua tiếp xúc, trò chuyện với phụ huynh, các chuyên viên tâm lý của Trung tâm đã sử dụng những kỹ thuật của tham vấn nhằm giúp phụ huynh giải tỏa cảm xúc, vượt qua những khủng hoảng tâm lý khi phải đối mặt với khó khăn về kinh tế và các vấn đề của con trẻ.
“Khác với các cơ sở y tế, chúng tôi có sự hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội cho gia đình, người chăm sóc, nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khủng hoảng, cân bằng cuộc sống để cùng tham gia quá trình trị liệu và phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho trẻ. Trong mô hình này, gia đình đóng vai trò quan trọng, cùng tham gia xây dựng kế hoạch can thiệp, thực hiện quy trình can thiệp trị liệu cho các bé, điều mà lâu nay nhiều cơ sở y tế vẫn ít chú ý”, bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm cho biết.
Bài và ảnh: KIM NGÂN