Y tế - Sức khỏe

CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

Chẩn đoán giới tính thai nhi: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi..."

08:49, 19/10/2015 (GMT+7)

Quy định về việc nghiêm cấm chẩn đoán giới tính của thai nhi có từ hơn 10 năm trước, trong Pháp lệnh dân số năm 2003. Vậy mà cả chục năm sau, quy định này còn “mới rợi”, bởi nhiều nơi và nhiều người vẫn chưa áp dụng. Hầu hết các bà mẹ đang mang thai đều biết đứa bé trong bụng của mình là trai hay gái. Chỉ những người không có nhu cầu biết trước, hoặc để “xổ số” cho hấp dẫn mới không rõ giới tính thai nhi. Điều này đặt ra câu hỏi: Có quy định cũng như không thì luật tồn tại để làm gì?

Ai cũng dễ dàng nhận thấy sự có tình, có lý trong quy định nghiêm cấm chẩn đoán giới tính thai nhi, nhưng thực tế, biết trước giới tính thai nhi cũng là điều rất… có lý và có tình. Được biết rõ về đứa con mình mang trong bụng là nhu cầu và quyền của người mẹ. Chẩn đoán giới tính để biết tình hình sức khỏe, sự phát triển các bộ phận cơ thể của đứa bé là nhiệm vụ của cán bộ y tế. Vậy chẩn đoán giới tính ở góc độ này không có gì trái với đạo lý.

Nhưng quy định của luật là không được chẩn đoán dưới mọi-hình-thức, nên cái lý, cái tình ở trên đều được quy vào một mối: Cấm! Đành rằng cấm chọn giới tính thông qua chẩn đoán thai nhi là điều nên làm, bởi từ đây sẽ hạn chế tình cảnh nhiều đứa bé bị tước quyền sống một cách oan uổng, và giải quyết phần nào sự mất cân bằng giới tính trong xã hội. Nhưng cấm dưới mọi-hình-thức có lẽ là điều cần xem xét lại. Các thai phụ vẫn thoải mái biết giới tính của đứa trẻ, các bác sĩ vẫn bằng cách này hay cách khác cho bà mẹ biết về em bé, trong khi cơ quan chức năng lại hầu như chưa “bắt quả tang” được ca nào vi phạm điều luật cấm này. Như vậy, sự “cấm tuyệt” việc biết trước giới tính thai nhi có vẻ hơi… thừa và không phù hợp thực tế.

Một cán bộ y tế chia sẻ câu chuyện rằng, một nữ Việt kiều mang thai tháng thứ 6 và về Việt Nam để… siêu âm cho biết con trai hay con gái. Chị này kể ở nước ngoài, nơi chị sinh sống, người mẹ được đi chẩn đoán giới tính thai nhi, nhưng phải đến giai đoạn cuối của thai kỳ, lúc chỉ còn chờ sinh chứ không thể làm gì khác. Với cách làm này, luật vẫn bảo đảm việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời vẫn thỏa mãn nhu cầu biết về con của các bà mẹ.

Từ đây đặt ra vấn đề, nên chăng luật cấm chẩn đoán giới tính thai nhi dưới mọi hình thức cần có sự điều chỉnh chi tiết hơn chứ không quy định rộng và chung chung như hiện nay. Cần quy định trong trường hợp nào, giai đoạn thai kỳ nào thì cán bộ y tế được thông báo cho thai phụ về giới tính đứa trẻ. Ngoài ra, giới tính của thai nhi vẫn sẽ là điều bí mật.

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm cũng là vấn đề đáng bàn khi nhiều nơi, nhiều người vi phạm mà chẳng ai bị phạt và cơ quan chức năng muốn xử lý cũng khó. Một cán bộ thanh tra y tế cho hay, thai phụ biết con mình là trai hay gái nhưng không ai lại đi “khai” hay “tố” bác sĩ “lách luật”. Bác sĩ cũng có nhiều lý do hợp pháp để cho thấy việc chẩn đoán giới tính chẳng qua nhằm phục vụ mục đích chuyên môn. Vì vậy, các mức phạt xem ra rất nghiêm mà… chưa mấy khi được dùng đến.

HƯỚNG DƯƠNG

.