Y tế - Sức khỏe

Đừng coi thường bệnh trầm cảm

07:43, 04/11/2015 (GMT+7)

Chỉ cần một cú sốc về tâm lý như cha mẹ ly dị, mất việc..., một người bình thường và hoàn toàn khỏe mạnh có thể bị trầm cảm và dẫn đến những hành động tiêu cực.

Bệnh trầm cảm nếu được chữa trị kịp thời thì có thể chữa khỏi. (Ảnh mang tính minh họa)
Bệnh trầm cảm nếu được chữa trị kịp thời thì có thể chữa khỏi. (Ảnh mang tính minh họa)

Những câu chuyện buồn

Đưa con gái 5 tuổi đi khám tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, chị N.T.T. (35 tuổi, ở quận Thanh Khê) buồn rầu nói: “Mình và ông xã chia tay nhau đã một năm nay, bé ở với mình. Ngày trước bé rất hoạt bát, thông minh nhưng khoảng nửa năm nay bé ít nói hẳn và hay ngồi trong nhà chứ không qua hàng xóm chơi như trước”. Chị T. cho biết, ngoài thời gian ở nhà, khi đến trường mầm non, T. cũng không chịu chơi với bạn, không chơi đồ chơi, chỉ ngồi ở góc lớp. Vốn là cô bé khá mũm mĩm, cân nặng 20kg, T. giờ chỉ còn 15kg và rất ngại ăn. Chị T. đã đưa bé đi khám sức khỏe tổng quát ở các bệnh viện uy tín tại Đà Nẵng nhưng không tìm ra được bệnh. Cuối cùng, các bác sĩ giới thiệu bé đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng khám. Tại đây, bác sĩ kết luận cháu T. bị bệnh trầm cảm, phải điều trị.

Với chị L.T.H (30 tuổi, ở quận Hải Châu), sau khi sinh con đầu lòng, chị gặp vấn đề về tâm lý. Do chồng phải đi công tác xa thường xuyên, cha mẹ hai bên đều đau yếu nên mọi việc sau khi sinh chị đều phải tự làm. Áp lực công việc, thêm những mệt mỏi thay đổi của cơ thể nên chị H. gắt gỏng liên tục, thậm chí chẳng thích ôm ẵm con.

Mấy lần về thăm vợ con, anh chồng “tá hỏa” khi thấy vợ ruồng rẫy con, thậm chí có lúc còn đánh bé. Cuối cùng anh đưa vợ đến bác sĩ tâm lý và bác sĩ xác định chị bị chứng trầm cảm sau sinh. Anh phải xin nghỉ việc một tuần để giúp vợ công việc nhà và ổn định tâm lý.

Tại Đà Nẵng, đã có nhiều vụ nhảy cầu tự tử trong thời gian gần đây. Nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn gia đình hoặc áp lực công việc. Một số người nảy sinh ý nghĩ tiêu cực đã nhảy cầu tự tử do gặp rắc rối trong cuộc sống. Trong tháng 9 vừa qua, chị B.T.C (28 tuổi, ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã leo qua thành cầu, nhảy xuống sông Hàn tự tử. Được những người đi đường ngăn cản kịp, động viên một hồi, chị C. mới từ bỏ ý định tự vẫn. Chị C. thổ lộ vừa cãi nhau với chồng vì quá buồn phiền, uất ức nên tìm đến cái chết để chồng phải nghĩ lại.

Khỏi bệnh nếu phát hiện sớm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 10 - 15% dân số bị bệnh trầm cảm. Toàn cầu hiện có trên 350 triệu người bị trầm cảm và khoảng 1 triệu người tự tử mỗi năm do mắc chứng này. Tại Việt Nam, tỷ lệ trầm cảm trong cộng đồng là 24,3% ở độ tuổi 25 - 55 và tăng lên 47% ở người trên 55 tuổi. Phụ nữ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. Nghiên cứu của WHO cho thấy, ước tính đến năm 2020, trầm cảm sẽ đứng thứ hai, chỉ sau bệnh tim mạch trên toàn thế giới.

Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho rằng, điều đáng nói là rất nhiều người đang mắc bệnh nhưng lại không thừa nhận mình có bệnh. Bởi vậy, để đến khi bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng xấu đến công việc và cuộc sống, việc điều trị cũng sẽ khó khăn hơn nhiều. Theo bác sĩ Trung, bệnh trầm cảm có rất nhiều nguyên nhân. Có thể do những căng thẳng trong cuộc sống như mâu thuẫn trong gia đình, thất bại trong công việc hoặc do các bệnh kéo dài như: đái tháo đường, cao huyết áp… Trầm cảm kéo dài cũng dễ dẫn đến hành vi tự sát. Các biểu hiện của bệnh trầm cảm là: buồn bã, mất ngủ kéo dài, mất hứng thú với những hoạt động yêu thích, với công việc, chán ăn, sút cân...  

“Trầm cảm là một trong những bệnh phổ biến nhất và có thể điều trị được trong lĩnh vực chuyên khoa tâm thần và tâm lý. Có từ 80 - 90% người mắc trầm cảm có thể được điều trị hiệu quả và chữa khỏi nếu phát hiện sớm”, bác sĩ Trung nói.    

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.