Y tế - Sức khỏe

"Nóng" chuyện khám, chữa bệnh BHYT

07:34, 22/10/2015 (GMT+7)

Bệnh nhân khám và điều trị bảo hiểm y tế (BHYT) giảm nhưng tổng chi phí BHYT thanh toán lại tăng; nhiều bệnh viện vẫn “lơ” việc khám, chữa bệnh BHYT trong ngày nghỉ, ngày lễ… Đó là những nội dung quan trọng được đề cập tại cuộc họp về khám, chữa bệnh BHYT, do Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đà Nẵng tổ chức vào sáng 21-10.

Bộ Y tế tham khảo ý kiến của người bệnh về chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bộ Y tế tham khảo ý kiến của người bệnh về chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Tham dự cuộc họp có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo; Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương cùng lãnh đạo các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn.

Lượt bệnh giảm, chi phí tăng

Theo số liệu từ BHXH thành phố Đà Nẵng, tổng lượt bệnh nhân nội trú và ngoại trú trong 8 tháng đầu năm đạt gần 1,7 triệu lượt, giảm so với cùng kỳ năm ngoái với 1,8 triệu lượt. Tuy nhiên, chi phí BHXH phải thanh toán trên 734 tỷ đồng; trong khi cùng thời điểm này của năm trước, chi phí BHYT chỉ trên 612 tỷ đồng. Sự bất cân đối này dẫn đến tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh trên 23 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH thành phố Đà Nẵng cho rằng, đây là vấn đề khá lo ngại. Điều đáng nói hơn, sự giảm lượt khám chủ yếu ở đối tượng ngoại trú, còn bệnh nhân nội trú lại tăng đáng kể.

Vì sao lại có sự khập khiễng này, câu trả lời nằm ở sự thay đổi của luật BHYT mới. Trước năm 2015, khi luật BHYT mới chưa ra đời, bệnh nhân ngoại trú luôn chiếm đa số và chiếm phần lớn chi phí phát sinh cũng như gây quá tải bệnh viện. Để hạn chế bệnh nhân khám bệnh vượt tuyến, Bộ Y tế quy định không thanh toán cho người khám ngoại trú không đúng tuyến, nhưng vẫn cho phép thanh toán cho bệnh nhân nội trú vượt tuyến.

Theo các bệnh viện, từ đây đã nảy sinh tình trạng “lách” luật để được chi trả BHYT. Một số giám đốc bệnh viện hạng 2 trên địa bàn Đà Nẵng cho biết, thay vì điều trị ngoại trú, nhiều người bệnh chọn cách nhập viện, điều trị nội trú để được bảo hiểm chi trả. Bệnh viện không bớt quá tải và chi phí BHYT lại tăng thêm là những mặt trái của quy định BHYT mới này.

Bên cạnh đó, các bệnh viện hạng 2 còn “khóc ròng” khi không thanh toán bảo hiểm cho đối tượng ngoại trú vượt tuyến nên phải đối mặt với tình trạng “ế” người bệnh đến khám. Các bệnh viện kiến nghị Luật BHYT mới và BHXH Việt Nam cần điều chỉnh quy định để cho phép bệnh viện từ hạng 2 trở xuống có thể thanh toán BHYT ngoại trú vượt tuyến nhằm thu hút bệnh nhân. Bởi bệnh viện hạng 2 hiện không quá tải như bệnh viện hạng 1 nên không thể “cào bằng” trong áp dụng luật mới. Được biết, trên địa bàn Đà Nẵng có 41 cơ sở khám chữa bệnh BHYT; trong đó có 6 bệnh viện hạng 1; 16 bệnh viện hạng 2; 5 bệnh viện hạng 3; 14 bệnh viện hạng 4 và tương đương.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo khẳng định sẽ không sửa Luật BHYT mới như kiến nghị của các bệnh viện hạng 2. Bởi nhiệm vụ của bệnh viện hạng 1 và hạng 2 là tập trung làm dịch vụ kỹ thuật cao. Các bệnh thông thường, khám đơn giản phải để các tuyến dưới đảm nhận. Nếu bệnh viện hạng 2 được thanh toán BHYT ngoại trú thì người bệnh sẽ không về các tuyến dưới. Ông Thảo còn cho rằng, việc các bệnh viện tự ý đưa người bệnh lẽ ra thuộc diện ngoại trú vào diện nội trú để được thanh toán BHYT là không đúng. Đó là một cách lạm dụng quỹ khám chữa bệnh và để “bệnh nhân chỉ định bác sĩ”.

Bệnh viện “ngại” khám BHYT ngày nghỉ, ngày lễ?

Một nội dung mới của luật BHYT là từ tháng 10 năm nay, các bệnh viện sẽ mở rộng thực hiện khám thanh toán BHYT cả trong ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Tuy nhiên, theo BHXH Đà Nẵng, đến nay trên địa bàn thành phố mới có 4 cơ sở y tế tổ chức việc này. Trong khi các bệnh viện tư nhanh chóng triển khai thì bệnh viện công lập lại còn chần chừ.

Lý do khiến nhiều bệnh viện chưa triển khai khám ngày nghỉ, ngày lễ là lo ngại chi phí phát sinh cho người lao động. Làm sao hài hòa quyền lợi người bệnh và cán bộ y tế là bài toán các bệnh viện đang cân nhắc. Ông Nguyễn Minh Thảo cho hay, các bệnh viện được quyền điều chỉnh giá khám chữa bệnh ngoài giờ để bảo đảm chi phí nhưng phải công khai và ở mức bệnh nhân có thể chấp nhận được.

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương cũng cho rằng, quan điểm của thành phố là không nhất thiết triển khai đại trà khám BHYT ngày nghỉ, ngày lễ. Chỉ những nơi nào quá tải mới nên tổ chức và bệnh viện tự điều chỉnh giá để phù hợp lợi ích các bên. “Không tổ chức thì thôi, nhưng khi đã mở ra khám vào ngày nghỉ, ngày lễ thì bệnh nhân đến phải có bác sĩ, có máy móc. Không thể để người bệnh đến rồi không thấy cán bộ y tế đâu”, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương nói.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Nâng giá dịch vụ y tế như hiện nay là quá chậm

Theo lộ trình, việc điều chỉnh nâng giá dịch vụ y tế như hiện nay là quá chậm. Giá dịch vụ tăng thì mới cơ bản nâng chất lượng y tế lên được. Chậm nhất là đến cuối năm 2016 sẽ đưa hết tiền lương của bác sĩ, cán bộ y tế vào giá dịch vụ y tế.

Sắp đến, sẽ công khai phân đầu thẻ khám chữa bệnh ban đầu, trong đó các bệnh viện hạng 1 (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản Nhi - PV) cũng có đầu thẻ để người tham gia BHYT có thêm sự lựa chọn; đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện.

Bài và ảnh: HOA - TRÀ

.