Y tế - Sức khỏe

Vô sinh nam, không vô vọng!

10:14, 02/12/2015 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Ths, Bs Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP. Hồ Chí Minh tại buổi tư vấn và khám sàng lọc cho các bệnh nhân nam hiếm muộn tại Đà Nẵng. Các tổn thương hoặc bệnh lý có thể khiến người đàn ông bị “trục trặc” trong vấn đề có con, tuy nhiên, việc điều trị vô sinh nam dễ hơn và khả năng thành công cũng cao hơn so với nữ.

Thèm có con nhưng “lơ” đi khám

Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh, không chỉ có phụ nữ mới bị nguy cơ vô sinh, hiếm muộn; ngược lại, tỷ lệ hiếm muộn giữa nam và nữ là tương đương nhau.

Trong 100 cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ có 30% do nam, 40% do nữ, 20% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân. Như vậy, tính trung bình các nguyên nhân thì chuyện khó có con không là “tội” của phụ nữ như những quan niệm sai lầm xưa cũ, mà là gần 50-50% giữa vợ và chồng.

Nếu một cặp vợ chồng không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong vòng 1 năm nhưng vẫn không có con thì được xem là một trường hợp hiếm muộn. Lâu nay, nếu phụ nữ tỏ ra chủ động và chịu khó điều trị, thì nhiều người đàn ông vẫn còn cố lờ thực trạng sức khỏe của bản thân.

Tại buổi gặp mặt các bệnh nhân nam, bác sĩ Dũng đặt câu hỏi: Nếu vợ mình có dấu hiệu bị bệnh, các anh sẵn sàng hối thúc hoặc đưa vợ đi khám không?

Câu trả lời là 100% người giơ tay cho rằng có. Qua câu hỏi thứ 2: Nếu bản thân mình có nguy cơ hiếm muộn, các anh có sẵn sàng điều trị không? Lần này chỉ có chưa đến một nửa đưa tay đồng tình.

Trên thực tế, để các ông chồng chịu đến bác sĩ khám và đối mặt với chẩn đoán hiếm muộn, bác sĩ phải cùng các chị em “lên kịch bản” thuyết phục. Có bác sĩ phải đi tư vấn ở... quán cà-phê, có người giả vờ như vô tình tư vấn riêng qua điện thoại mới lay động được tinh thần hợp tác của các ông.

Bác sĩ Dũng chia sẻ, không ít ông chồng giả vờ làm khuya hoặc uống say để né “trách nhiệm” với vợ, thay vì cùng vợ giải quyết nỗi niềm ngóng trông con.

Bệnh viện Bình Dân TP. Hồ Chí Minh thử khảo sát 203 cặp vợ chồng hiếm muộn và khá bất ngờ là đa phần bệnh nhân chậm đi khám không phải vì vấn đề kinh phí. Chỉ có 5% cho rằng chần chừ vì tiền bạc, song có đến 37,8% do ngại ngùng, còn lại là những người thiếu thông tin về điều trị.

Điều chỉnh lối sống

Có nhiều phương pháp chẩn đoán, điều trị hiếm muộn ở nam giới bao gồm nội khoa, ngoại khoa và hỗ trợ sinh sản.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ, bác sĩ Nam khoa thuộc Trung tâm Sức khỏe sinh sản Đà Nẵng, các bước chẩn đoán vô sinh nam gồm: Xác định bệnh sử (viêm nhiễm bộ phận sinh dục, viêm teo tinh hoàn v.v...), tiếp đến là khám và xét nghiệm tinh dịch đồ, siêu âm, kiểm tra nội tiết, sinh thiết, xét nghiệm di truyền để xác định có tổn thương nhiễm sắc thể...

Tại Đà Nẵng, đội ngũ bác sĩ nam khoa còn khiêm tốn về số lượng. Tuy nhiên, xét trên cả nước, lĩnh vực này đang phát triển nhanh chóng và tay nghề các bác sĩ đã dần tiến kịp các nước trong khu vực.

Dù y học có nhiều cách và nhiều bước điều trị vô sinh nam, nhưng các bác sĩ cho rằng, bước quan trọng đầu tiên quyết định nhất vẫn là sự quyết tâm, chịu đi điều trị của người đàn ông.

Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân không điều chỉnh lối sống bản thân thì những tác động của khoa học cũng khó phát huy hiệu quả.

Khi nghe bác sĩ đặt câu hỏi giữa cà-phê và nước cam, bạn uống thứ nào đều đặn mỗi ngày, tất cả các bệnh nhân nam đều gật đầu với cà-phê và lắc đầu với nước cam.

Bác sĩ Dũng chỉ ra đó là một trong những điều bệnh nhân phải thay đổi nếu muốn chữa trị thành công. Rau, củ, quả, nhất là các thực phẩm vitamin nhóm B và nhóm C không chỉ đáp ứng nhu cầu làm đẹp của phụ nữ mà rất quan trọng cho sức khỏe nam giới.

Ăn uống bảo đảm dinh dưỡng, hạn chế rượu, bia, thuốc lá và tránh stress sẽ tác động trực tiếp đến số lượng, chất lượng và hình dạng tinh trùng.

Với bé trai mắc bệnh quai bị sau 14 tuổi, gia đình cần có sự can thiệp kịp thời để không dẫn đến biến chứng gây vô sinh. Một vài  nơi, người dân còn tin việc bôi mực tàu hoặc vôi có thể chữa quai bị, nhưng bác sĩ thì khuyến cáo nên tiêm vaccine phòng bệnh và nếu có bệnh phải đến cơ sở y tế điều trị.

Bên cạnh đó, hiếm muộn có 10% yếu tố di truyền nên nếu cha mẹ từng bị hiếm muộn thì phải theo dõi các bất thường ở con trai để đi khám kịp thời.

TOÀN VÂN

.