Y tế - Sức khỏe
Bài 3: Chờ chấn chỉnh...
Nhiều ý kiến cho rằng, do gửi xe miễn phí nên cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ cũng “xuống cấp” theo. Tuy nhiên, thực tế thì hoạt động giữ xe tại bệnh viện hoàn toàn không làm miễn phí mà vẫn được thành phố trả lương với số tiền không nhỏ.
Nhà xe Bệnh viện Quân y 17 phủ kín mái tôn và khá ngăn nắp. |
Vì đâu nên nỗi?
Từ năm 2011 đến nay, thành phố cấp kinh phí thực hiện chính sách không thu phí giữ xe cho 23 bệnh viện (gồm các bệnh viện, trung tâm y tế thuộc Sở Y tế Đà Nẵng và các bệnh viện thuộc bộ, ngành trên địa bàn) với số tiền trên 4,4 tỷ đồng/năm.
Tùy theo lưu lượng bệnh nhân, các bệnh viện sẽ được cấp tiền giữ xe tương xứng. Nhiều nhất là Bệnh viện Đà Nẵng với số tiền cấp mỗi năm trên 1 tỷ đồng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi 660 triệu đồng/năm.
Các bệnh viện khác được cấp trung bình từ trên 100 triệu đồng - trên 300 triệu đồng/năm. Nơi được cấp ít nhất cũng 72 triệu đồng/năm.
Điều này cho thấy, việc giữ xe hoàn toàn không “miễn phí”, mà chỉ thay đổi về hình thức thanh toán, khi thành phố “bao cân” toàn bộ tiền gửi xe.
Dù được nuôi để hoạt động, nhưng đa phần các nhà xe, nhất là những nhà xe tại các bệnh viện lớn, đông bệnh nhân đều lôm côm, xập xệ và xảy ra tình trạng mất cắp.
Một bác sĩ (xin giấu tên) cho rằng, sở dĩ có tiền nhưng vẫn phục vụ không tốt vì cách tính khoán kinh phí. Mỗi năm, mỗi tháng được nhận một số tiền nhất định, dù xe nhiều hay ít, khiến người trông xe mất động lực cố gắng.
Thậm chí, xe gửi càng ít, họ càng thấy khỏe. Điều này dẫn đến các hệ lụy như khách không được nhà xe “chăm sóc” mà thay vào đó là thái độ “mặc kệ”.
Trong khi đó, lãnh đạo một bệnh viện chia sẻ, tình trạng nhà xe coi thường khách hoàn toàn do trách nhiệm quản lý của bệnh viện chứ không thể đổ lỗi cho việc khoán kinh phí.
Lãnh đạo bệnh viện không thể khoán trắng cả tiền lẫn cách làm cho nhà xe, mà phải có hợp đồng, cam kết và giám sát hằng ngày về quy tắc ứng xử, nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ trông xe.
Trong trường hợp có ý kiến phản ứng của khách hàng, lãnh đạo bệnh viện phải trực tiếp làm việc với nhà xe để chấn chỉnh. Lực lượng giữ xe phải nằm trong sự quản lý chung của bệnh viện như tất cả các bộ phận, đội ngũ khác.
Bao giờ các nhà xe được chấn chỉnh?
Việc nhà xe xuống cấp đã được các bệnh viện nhận thấy và đề xuất thay đổi từ trước. Tuy nhiên đến nay, để trả lời câu hỏi bao giờ các nhà xe sẽ được chấn chỉnh cho tương xứng, câu trả lời vẫn là: Còn chờ!
Nói về sự quá tải nhà xe thì Bệnh viện Đà Nẵng có thể là đứng đầu. Lượng bệnh nhân nội trú mỗi ngày tại đây khoảng 2.000 người. Giờ cao điểm, mỗi bệnh nhân có nhiều người nhà vào thăm và số xe theo đó nhân lên.
Tất cả các khoảng sân tại đây đều dành để chứa xe máy nhưng vẫn không đủ. Ngay cả lối đi dành cho… xe cứu hỏa trong trường hợp khẩn cấp cũng bị bịt kín bởi xe máy. Giả sử có một chiếc xe phát cháy thì bãi giữ xe này chẳng khác nào “mồi lửa” không chỉ cho nhà xe mà hiểm họa cho toàn thể bệnh viện.
Trước thực trạng đó, Bệnh viện Đà Nẵng đã làm đề án Nhà xe thông minh, xây dựng ngay trên chính bãi giữ xe hiện tại nằm phía đường Quang Trung.
Theo kế hoạch, tại đây sẽ mọc lên khu nhà 7 tầng, trong đó 3 tầng dưới làm nhà giữ xe có sức chứa 2.500 chiếc. Các tầng trên làm siêu thị, căn-tin và phòng chuyên môn khác. Nhà xe mới sẽ có chức năng tự động lưu số xe, bố trí lối ra vào một chiều và có hệ thống báo cháy, phun nước hiện đại, v.v...
Dù tiến tới có thu hay không thu phí, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đề xuất thành phố cho xây dựng đề án này để nhằm chấn chỉnh hoạt động giữ xe, bảo đảm mỹ quan, an ninh trật tự. Tuy nhiên, bao giờ có nhà xe thông minh hoặc nhà xe mới thì Bệnh viện Đà Nẵng chưa thể khẳng định ngay.
Trong khi đó, Bệnh viện Phụ sản - Nhi cũng là cơ sở y tế bị quá tải không kém. Được xây dựng với quy mô 600 giường và nhân lực ban đầu 500 người, nhưng sau vài năm hoạt động, lượng bệnh nhân nội trú tại bệnh viện này mỗi ngày ở mức khoảng 1.500 người và trên 900 cán bộ, công nhân viên. Cả nhà xe người bệnh và nhà xe nhân viên đều... “bí rị”.
Cách đây khoảng 2 năm, Bệnh viện Phụ sản - Nhi đã đề xuất điều chỉnh nhà xe theo hướng rộng rãi, vững chắc hơn, bảo đảm xe không bị phơi giữa trời, nhưng đến nay, dự án này vẫn nằm trên giấy vì cấn kế hoạch xây dựng bệnh viện giai đoạn 2.
Phần nhà xe được nằm trong bố cục chung của thiết kế mới, nên kế hoạch điều chỉnh như ban đầu gần như phải tạm dừng. Trong khi đó, giai đoạn 2 Bệnh viện Phụ sản - Nhi bao giờ mới khởi động thì... chưa biết!
NHÓM PHÓNG VIÊN VHXH