.

Hướng đi mới trong điều trị đột quỵ não

.

Lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống một bệnh nhân bị đột quỵ não, liệt nửa người bằng phương pháp hoàn toàn mới. Thành công này mở ra triển vọng lớn trong điều trị đột quỵ não.

Nhóm bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh kiểm tra vận động tay, chân của bệnh nhân sau khi được lấy huyết khối bằng dụng cụ Solitaire.
Nhóm bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh kiểm tra vận động tay, chân của bệnh nhân sau khi được lấy huyết khối bằng dụng cụ Solitaire.

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, việc áp dụng phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ Solitaire - phương pháp cuối cùng cho các bệnh nhân bị tắc các động mạch não lớn, không thể điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối đã giúp người bệnh có thể “chạy đua” với thời gian trước khi quá muộn.

Cứu bệnh nhân trong 1 giờ

Lúc 7 giờ 20 ngày 28-7, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Phan Thị K. (43 tuổi, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) trong tình trạng liệt nửa người bên trái. Người nhà cho biết, lúc 6 giờ cùng ngày, chị K. ngủ dậy và tự nhiên bị liệt nửa người bên trái, dù trước đó chị hoàn toàn không có bệnh lý về tim mạch, huyết áp và sinh hoạt bình thường. Sau khi nhập viện, đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành chụp CT và bước đầu loại trừ tình trạng xuất huyết não. Kết hợp các xét nghiệm, bác sĩ nhanh chóng kết luận bệnh nhân K. bị tắc mạch máu não. Gần 30 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định điều trị tắc mạch máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông chèn mạch máu. Tuy nhiên, khi tiếp tục theo dõi, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân K. chưa cải thiện lâm sàng về liệt nên cho chụp CT mạch máu thì phát hiện cục máu đông vẫn chưa tiêu.

Sau khi hội chẩn, nhóm bác sĩ can thiệp mạch Khoa Chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng quyết định can thiệp mạch lấy khối huyết tụ bằng dụng cụ Solitaire. Sau gần 1 giờ đồng hồ, ca can thiệp lấy khối huyết tụ bằng dụng cụ đã thành công, tay chân bệnh nhân hoạt động trở lại.

Được biết, đây là bệnh nhân đột quỵ não đầu tiên tại Đà Nẵng được cứu sống bằng phương pháp can thiệp dụng cụ Solitaire. Trước đó, tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế cũng thử nghiệm và thành công với phương pháp này.

Chạy đua cùng người bệnh

Trực tiếp tham gia nhóm điều trị, bác sĩ Trần Đạt, Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, việc điều trị lấy huyết khối não bằng dụng cụ Solitaire là phương pháp mới điều trị cho các bệnh nhân bị tắc các động mạch não lớn, không thể điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối; tuy nhiên, thời gian cho phép chỉ trong vòng 6 giờ đầu từ khi đột quỵ não (đây là thời gian vàng của các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu). Vì vậy, các bước chẩn đoán ban đầu để khẳng định chẩn đoán là hết sức khẩn trương và phải tranh thủ từng phút.

Đến chiều tối 1-8, sức khỏe bệnh nhân Phan Thị K. đã ổn định, ăn uống bình thường; tay, chân có thể cử động, dự kiến xuất viện trong 2-3 ngày tới.

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, trong nhiều năm qua, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đà Nẵng triển khai rất nhiều kỹ thuật can thiệp mới như: tắc mạch máu tạng ổ bụng trong các trường hợp chảy máu cấp cứu; nút túi phình hoặc dị dạng động mạch máu não, nút mạch chậu sau chấn thương, các kỹ thuật mới trong can thiệp chẩn đoán… Sự đổi mới này góp phần cứu chữa thành công rất nhiều trường hợp khó mà trước đây phải chuyển tuyến trên.

Riêng kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ Solitaire là kỹ thuật rất khó, đòi hỏi tay nghề cao. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức Đội phản ứng nhanh về đột quỵ. “Khi vào cấp cứu, bệnh nhân sẽ được đóng dấu xác nhận bệnh lý, các khâu khám, chẩn đoán ban đầu được ưu tiên giải quyết theo cách thức “chạy đua” cùng người bệnh”, bác sĩ Nhân nói. Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ vào viện, bệnh nhân đã được can thiệp để tái tạo mạch máu não.

Cũng theo bác sĩ Nhân, khả năng tử vong đối với những trường hợp bị đột quỵ não do tắc các động mạch não lớn là rất cao, từ 70-80%, hoặc nếu sống cũng để lại di chứng nặng nề, liệt người. Chính vì thế, việc áp dụng phương pháp lấy huyết khối não bằng dụng cụ Solitaire mở ra cơ hội lớn cho những bệnh nhân bị đột quỵ khó có cơ hội phục hồi. Phương pháp này sẽ thay phương pháp điều trị phục hồi và dự phòng tái phát trước đây. Để áp dụng thành công phương pháp mới, Bệnh viện Đà Nẵng thành lập một quy trình hoàn thiện, như cử các bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu, hình thành ê kíp, đội phản ứng nhanh…

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.