Y tế - Sức khỏe

Nơi "gỡ khó" cho trẻ em

15:53, 11/03/2017 (GMT+7)

5 năm qua, nhiều “ca khó” liên quan đến trẻ em bị bạo hành, lạm dụng tình dục được hỗ trợ kịp thời từ Văn phòng tư vấn và hỗ trợ trẻ em huyện Hòa Vang.

Một buổi sinh hoạt tư vấn cho trẻ em do Văn phòng phối hợp với các cộng tác viên thực hiện.
Một buổi sinh hoạt tư vấn cho trẻ em do Văn phòng phối hợp với các cộng tác viên thực hiện.

Năm 2012, huyện Hòa Vang được chọn là địa phương đầu tiên của thành phố triển khai thí điểm mô hình Văn phòng tư vấn và hỗ trợ trẻ em. Nhớ lại những ngày đầu hoạt động, ông Trần Văn Liên, Phó phòng LĐ-TB&XH của huyện, người được phân công phụ trách mô hình này tâm sự:

Văn phòng gồm 4 người có thâm niên trong công tác trẻ em, thế nhưng khi bắt tay vào việc, ai nấy đều cảm thấy lo làm sao để văn phòng trở thành địa chỉ tin cậy và khi cần thì người dân hoặc chính các em sẽ gọi điện thoại đến mình đầu tiên.

Tuy nhiên, mọi lo lắng nhanh chóng được gỡ bỏ khi Văn phòng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo huyện, đặc biệt là sự giúp đỡ từ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố cũng như các sở, ban, ngành liên quan (tư pháp, công an, giáo dục..), vì vậy hầu hết các “ca khó” đều được giải quyết.

Khá vất vả với việc phải “ôm” điện thoại 24/24 giờ để sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của người dân, nhưng đổi lại, mỗi trường hợp được hỗ trợ kịp thời là một sự bù đắp hữu ích đối với những người làm công tác bảo vệ trẻ em. Nhắc lại một cuộc điện thoại khẩn thông báo có học sinh lớp 7 ở xã Hòa Liên bị xâm hại tình dục, cán bộ, nhân viên Văn phòng tư vấn hỗ trợ trẻ em Hòa Vang vẫn vẹn nguyên cảm xúc dù sự việc đã xảy ra cách đây 2 năm.

Trong lúc bị hại và gia đình đang hoảng loạn không biết làm gì thì Văn phòng đã cử người xuống tận nhà nạn nhân. Với sự động viên kịp thời cũng như sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, người xâm hại trẻ đã bị xử lý ngay.

Đặc biệt, việc giữ bí mật thông tin bị hại và người nhà giúp trẻ và gia đình nhanh chóng lấy lại tự tin. Đến nay, em này đã lên lớp 9, học tốt, luôn vui vẻ và sinh hoạt xã hội nhiệt tình. Hoặc như trường hợp ở xã Hòa Sơn, một bà mẹ gọi điện thoại đến Văn phòng cầu cứu giúp con tránh những trận đòn vô cớ của cha mỗi khi say rượu.

Đại diện Văn phòng đã phối hợp với UBND xã đến nhà làm việc và yêu cầu người cha ký cam kết không tái phạm. Với sự có mặt kịp thời của chính quyền địa phương, người cha sau đó đã bỏ rượu, gia đình nhỏ lại trở nên yên ấm…

Không những hoạt động qua kênh đường dây nóng, Văn phòng còn xây dựng đội ngũ cộng tác viên lên đến 119 người trải đều khắp 119 thôn trong toàn huyện. Với đội ngũ nhân viên được tập huấn về kỹ năng tư vấn cũng như trang bị kiến thức cơ bản về quyền trẻ em, đặc biệt là sự nhiệt tình bám sát từng hộ gia đình nên lực lượng này đã tạo được mạng lưới hỗ trợ, tư vấn kịp thời cho các trường hợp cần giúp đỡ.

Chính đội ngũ cộng tác viên này hằng năm đến tận từng hộ gia đình phát tài liệu về bảo vệ quyền lợi trẻ em và hằng tháng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng duy trì các sân chơi miễn phí dành cho trẻ khuyết tật.

Thông qua những hoạt động này, cơ quan chức năng cũng thu thập thêm nhiều thông tin để can thiệp, hỗ trợ trẻ. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn phối hợp với Đài truyền thanh huyện duy trì chương trình phát thanh thiếu nhi với thời lượng mỗi lần phát 20 phút vào tối thứ ba và phát lại vào sáng thứ tư hằng tuần, tạo kênh thông tin bổ ích cho người dân và trẻ em trên địa bàn.

Theo ông Trần Văn Liên, trọng tâm hoạt động của Văn phòng thời gian đến là làm sao để người dân và chính trẻ em chủ động hơn nữa trong việc tìm đến với Văn phòng hoặc liên hệ với cộng tác viên chương trình, cơ quan chức năng khi cần thiết.

Bài và ảnh: THANH VÂN

.