Y tế - Sức khỏe

Phương hay Thuốc quý

Bạch hạc chữa bệnh ngoài da…

07:10, 12/03/2017 (GMT+7)

Cây Bạch hạc đã từng là vị thuốc cứu tinh cho nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lác, hắc lào, lang ben... một thời hoành hành trong các khu ký túc xá trường học những năm bao cấp do điều kiện đời sống, môi trường vô cùng thiếu thốn, đến nổi người ta vẫn nói đùa rằng: “Không có ghẻ, không được phát thẻ sinh viên”.

“Bạch hạc chữa bệnh ngoài da/ Lang ben, ghẻ lác, ec-ze-ma… đều lành”. Ảnh: P.C.T
“Bạch hạc chữa bệnh ngoài da/ Lang ben, ghẻ lác, ec-ze-ma… đều lành”. Ảnh: P.C.T

Bạch hạc, còn có tên Bạch hạc linh chi, Nam uy linh tiên, Kiến cò hay Cây lác. Tên khoa học Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz, [tên đồng nghĩa Justicia nasuta L.; Rhinacanthus communis Ness], thuộc họ Ô rô - Acanthaceae.

Cây nhỏ mọc thành bụi, cao 1-2m, có rễ chùm. Thân non có lông mịn. Lá mọc đối, có cuống, phiến hình trứng thuôn dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông mịn. Hoa nhỏ, mọc thành xim nhiều hoa ở nách lá hoặc đầu cành hay ngọn thân. Hoa màu trắng nom như con hạc đang bay nên thường được gọi tên là cây Bạch hạc. Cây ra hoa vào tháng 8, nhưng cũng gặp rải rác quanh năm. Quả nang dài, có lông. Cây mọc ở lùm bụi ẩm và dưới tán rừng thưa, cũng được trồng bằng phần gốc cây trong vườn thuốc gia đình, trạm y tế.

Để làm thuốc, có thể dùng tất cả các bộ phận lá, thân và rễ. Thu hái thân lá quanh năm, thường dùng tươi. Rễ, thân cũng được thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa thu - đông, dùng tươi hay phơi khô.

Phân tích thành phần hóa học, Bạch hạc chứa flavonoid, hợp chất phenol, acid amin, acid hữu cơ, tanin. Rễ cây chứa 2 naphtoquinon là rhinacanthin A và B, và một số hợp chất khác như lypeol, β-sitosterol, stigmasterol, β-sitosterol glucosid, stigmasterol glucosid. Hoa chứa flavonoid. Lá chứa kali nitrat, acid chrysophanic, anthoyan, alcaloid.

Nghiên cứu dược lý cho thấy cao cồn toàn cây bỏ rễ có tác dụng kháng khuẩn với Staphylococcus aureus, tác dụng diệt ve khá mạnh (ve chết đến 71-81%).

Cao toàn cây bỏ rễ chiết bằng chloroform hoặc cồn có tác dụng kháng nấm với Epidermophyton floccosum, Microsporum gypseum và Trichophyton rubrum.

Cao nước có tác dụng chống alkyl hóa, có thể phối hợp với các thuốc chữa ung thư loại alkyl hóa.
Cao lỏng 1:1 liều 2-4g/kg có tác dụng làm hạ huyết áp từ từ đối với chó thí nghiệm. Sau 30 phút hạ 18-21% và kéo dài đến 120 phút.

Bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y Hà Nội, năm 1995, đã thử lâm sàng dùng lá Bạch hạc tươi 40-50g giã nát vắt lấy nước cho bệnh nhân uống. Sau 15 phút, huyết áp hạ trung bình 30,8% so với ban đầu.
Theo Đông y, Bạch hạc có vị ngọt nhạt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giáng hỏa, nhuận phế chỉ khái, sát trùng, chống ngứa, trừ phong thấp. Rễ có mùi hắc nhẹ, vị ngọt tựa như mùi Sắn rừng.

Theo kinh nghiệm của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc, Bạch hạc thường được uống trong dùng trị các chứng bệnh: Lao phổi khởi phát, ho; Viêm phế quản cấp và mạn; Phong thấp, tê bại, nhức gân, đau xương, viêm khớp; Huyết áp cao. Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị bệnh ecpet mảng tròn (herpès loang vòng), eczema, hắc lào, lở ngứa, thường lấy cây lá tươi giã đắp hoặc nấu nước rửa.

Ðơn thuốc:

1. Eczema, hắc lào, lang ben: Dùng lượng lá tươi vừa đủ thêm cồn 70o hoặc dầu lửa giã nhuyễn đắp xát vùng da tổn thương. Có thể dùng rễ tươi giã nhỏ, ngâm cồn 70o  trong một tuần lễ lấy nước bôi.

2. Viêm phổi hay lao sơ nhiễm: Thân và lá Bạch hạc 30g, sắc nước, cho thêm đường kính uống hằng ngày.

3. Chữa phong tê thấp, nhức gân xương, viêm khớp: Rễ Bạch hạc, Thiên niên kiện, Thổ phục linh, Tỳ giải, Cỏ xước, Cẩu tích, Cốt toái bổ, mỗi vị 10-15g, sắc uống ngày 1 thang, liên tục 10-15 ngày một đợt điều trị.

4. Đau thần kinh tọa do lạnh: Rễ Bạch hạc 8g, rễ Lá lốt 12g, ráy Sơn thục 12g, Cẩu tích 16g, Quế chi 8g, Ngải cứu 8g, Vỏ quýt 8g, rễ Cỏ xước 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền từ 10 – 15 thang.

PHAN CÔNG TUẤN

.