Tư vấn

Bài toán cho các viện nghiên cứu phi lợi nhuận

08:50, 27/01/2019 (GMT+7)

Trước hết, có hai loại viện nghiên cứu (tiếng Anh là think-tank), một hoạt động phi lợi nhuận, một là vì lợi nhuận. Các viện nghiên cứu phi lợi nhuận nổi tiếng phần lớn nằm ở Mỹ, Anh và một số nước châu Âu khác.

Những viện nghiên cứu độc lập, phi lợi nhuận đưa ra những nghiên cứu chất lượng cao để chính phủ các nước dựa vào đó đưa ra các chính sách hiệu quả, cơ sở lý luận đáng tin cậy cho những cuộc tranh luận các vấn đề lớn. Trong khi đó, một trong những công việc quan trọng của viện nghiên cứu vì lợi nhuận là tìm ra những con số thống kê hấp dẫn công chúng trong thời đại kỹ thuật số này.

Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ).
Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ).

Trong nhiều năm qua, chính phủ các nước tìm cách tác động tới việc hoạch định chính sách ở Washington, London, Brussels, Berlin hay nhiều nơi khác bằng cách tài trợ cho các viện nghiên cứu. Những diễn biến kinh tế, chính trị gần đây đang khiến nhiều viện nghiên cứu phi lợi nhuận, nhất là đóng ở Mỹ, gặp khó khăn về việc nhận tài trợ. Chẳng hạn như Viện Brookings ở Washington đang bị kiểm tra vì có tin nhận tiền tài trợ lên tới 6 con số từ tập đoàn Huawei (Trung Quốc) - vốn bị Mỹ lên án là mối đe dọa an ninh. Sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại hồi tháng 10-2018 thì nhiều viện nghiên cứu khác ở Mỹ cũng chịu áp lực phải ngừng nhận tiền tài trợ từ Arab Saudi.

Các viện nghiên cứu bị nghi ngờ trở thành bức tường địa chính trị, nhất là khi mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang căng thẳng. Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết một số nước sử dụng chính các viện nghiên cứu trong nước mình như một kênh quảng bá chính sách hoàn hảo của nước họ tới các nước khác muốn nhận tài trợ, vay vốn.

Các viện nghiên cứu phi lợi nhuận thực tế gặp 3 khó khăn lớn là bất lợi trong tiếp cận số liệu so với các viện vì lợi nhuận, đàm phán về góc cạnh địa chính trị và yếu tố dân túy. Các viện vì lợi nhuận tiếp cận số liệu công khai và bí mật một cách thuận lợi để cung cấp số liệu thống kê vì một mục đích lợi nhuận từ trước. Một số viện nghiên cứu mang tính địa phương bị cho là mặt trận của một quốc gia nào đó hay mang tính “môi giới quyền lực”. Yếu tố dân túy cũng rất đáng ngại khi mà có viện nghiên cứu không hài lòng với Hồi giáo.

Để tồn tại, các viện nghiên cứu phi lợi nhuận cần trung thành với nguyên tắc ban đầu. Đó là dựa vào sức mạnh của mình để quy tụ các nhà khoa học uy tín trên thế giới, thực hiện các nghiên cứu với những số liệu mang tính đột phá, xây dựng các diễn đàn để tranh luận những chính sách lớn, tìm sự đồng thuận và khuyến khích hợp tác giữa các bên. Thời đại kỹ thuật số cũng khiến các viện cần sử dụng công nghệ một cách thuần thục hơn, như sử dụng ảnh vệ tinh để minh họa các bằng chứng, số liệu thu thập một cách khoa học.

ANH THƯ

.