Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Châm cứu trị viêm xoang

08:27, 07/11/2015 (GMT+7)

Viêm xoang là tình trạng bị tắc nghẽn lỗ thông mũi xoang do các chất dịch tiết từ niêm mạc xoang không được dẫn lưu ra ngoài hốc mũi.

Nghinh hương và Thượng tinh, hai huyệt chủ trị bệnh viêm xoang.
Nghinh hương và Thượng tinh, hai huyệt chủ trị bệnh viêm xoang.

Triệu chứng thường gặp của viêm xoang như đau đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi đặc, nước mũi màu vàng hoặc xanh thậm chí chảy nước mũi xuống họng. Dưới đây giới thiệu biện chứng luận trị viêm xoang bằng châm cứu. Trong đó, có nêu kinh nghiệm người viết bài về việc điều trị kết hợp cả châm và cứu, có thể sử dụng phương huyệt đơn giản hơn nhưng hiệu quả rất tốt.

1. Viêm xoang do phong nhiệt ở kinh Phế

- Phép trị: Sơ phong, tuyên Phế, thanh nhiệt, thông mũi.

- Phương huyệt: Thượng tinh, Ấn đường, Nghinh hương, Hợp cốc, Phong trì, Phong môn, Liệt khuyết.

- Giải thích: Thượng tinh tán phong, thanh nhiệt; Hợp với Ấn đường để tuyên thông xoang mũi, thanh tiết nhiệt; Nghinh hương là huyệt chủ yếu trị viêm xoang, ở gần lỗ mũi, có tác dụng sơ điều khí của kinh thủ Dương minh, tuyên tiết nhiệt ở Phế làm cho mũi thông; Phong trì sơ phong, thanh nhiệt; Hợp cốc hợp với Nghinh hương để tiết tà nhiệt; Phong môn sơ điều kinh khí của kinh túc Thái dương, khử phong, tán hàn, tuyên Phế, giải biểu; Liệt khuyết thông kinh khí của kinh Dương minh và Thái âm, tuyên Phế, thông mũi.

 2. Viêm xoang do uất nhiệt ở Đởm

- Phép trị: Thanh tiết Can Đởm, thông mũi.

- Phương huyệt: Phong trì, Thượng tinh, Ấn đường, Thái xung, Dương lăng tuyền, Chiếu hải.

- Giải thích: Thượng tinh tán phong, thanh nhiệt, hợp với Ấn đường để tuyên thông mũi, thanh tiết nhiệt; Phong trì sơ điều kinh khí của kinh Thiếu dương, tán nhiệt, làm nhẹ đầu, mắt; Thái xung sơ tiết kinh khí ủng trệ, tuyên thông khí huyết, điều Can, lợi Đởm; Dương lăng tuyền tả uất hỏa ở kinh Tam tiêu và Đởm; Chiếu hải tư âm, tráng thủy, tả hỏa; Ấn đường là huyệt chủ yếu trị viêm xoang, có tác dụng thông mũi.

 3. Viêm xoang do thấp nhiệt ở Tỳ vị

- Phép trị: Lợi thấp, tả nhiệt, khử đờm, hóa trọc.

- Phương huyệt: Thượng tinh, Ấn đường, Nghinh hương, Trung quản, Tỳ du, Công tôn, Âm lăng tuyền, Phong long.

- Giải thích: Tỳ du hợp với Trung quản để kiện Tỳ, ích khí, lợi thấp, thăng thanh giáng trọc; Công tôn kiện vận Tỳ khí; Hợp với Âm lăng tuyền kiện Tỳ, táo thấp, lợi thủy; Phong long là huyệt chủ yếu để kiện Tỳ, khử đờm, hóa trọc; Thượng tinh, Ấn đường, Nghinh hương để tuyên Phế, thông mũi, làm nhẹ đầu, sáng mắt.

 4. Viêm xoang do Phế khí hư hàn

- Phép trị: Bổ phế, ích khí, sơ tán phong hàn.

- Phương huyệt: Thượng tinh, Ấn đường, Phế du, Thái uyên, Thái khê.

- Giải thích: Phế du sơ thông kinh khí ở vùng lưng, tuyên Phế, tán hàn; Thái uyên bổ ích Phế khí, khử phong, hóa đờm; Thái khê bổ Thận âm, tráng Thận thủy. Hai huyệt này phối hợp có tác dụng bồi bổ chân nguyên để giúp cho Phế khí; Thượng tinh, Ấn đường, Nghinh hương để tuyên Phế, thông mũi, làm nhẹ đầu mặt.

5. Viêm xoang do Tỳ khí hư nhược

- Phép trị: Kiện Tỳ, ích khí, thanh thấp hóa trọc.

- Phương huyệt: Ấn đường, Nghinh hương, Bách hội, Tỳ du, Trung quản, Túc tam lý, Tam âm giao.

- Giải thích: Túc tam lý để trợ Vị khí, bổ Tỳ khí, giúp vận hóa thức ăn; Tỳ du hợp với Trung quản để kiện Tỳ, ích khí, lợi thấp, bồi bổ thêm cho gốc của hậu thiên; Bách hội thăng đề dương khí, điều tiết khí huyết, thông kinh khí; Tam âm giao bổ 3 kinh âm, tư Thận, ích Tỳ, dưỡng Can, hòa huyết mạch; Ấn đường, Nghinh hương là huyệt cục bộ để tuyên thông mũi.

Kinh nghiệm người viết bài này, do đa phần bệnh viêm xoang là mạn tính, đau lâu ngày, thuộc tình trạng “thượng thực, hạ hư” (thực chứng phần trên nhưng do hư tổn tạng phủ bên dưới), nên điều trị kết hợp cả châm và cứu, có thể sử dụng phương huyệt đơn giản hơn nhưng hiệu quả rất tốt.

Thường chúng tôi chỉ dùng 2 huyệt Nghinh hương, 2 huyệt Hợp cốc và 1 huyệt Thượng tinh, sau khi châm đắc khí, dùng điếu ngải hơ lên đốc kim mỗi huyệt khoảng 5-10 phút.

Nghinh hương là huyệt chủ để thông khiếu mũi, huyệt có tác dụng làm mũi được thông, đón nhận (nghinh, nghênh) được mùi thơm (hương), vì vậy gọi là Nghinh hương. Đây là huyệt hội của kinh Đại trường và kinh Vị, nằm cạnh khóe ngoài lỗ mũi, chủ trị các bệnh ngạt mũi, viêm mũi, viêm xoang mũi.
Hợp cốc là huyệt nguyên kinh Đại trường (quan hệ biểu lý với kinh Phế), nằm giữa kẻ ngón tay cái và ngón tay trỏ phía mu bàn tay, sát xương ngón trỏ, là huyệt tổng điều trị bệnh vùng đầu mặt (trong lục tổng huyệt), có tác dụng trấn thống, thanh tiết phế khí, thông giáng trường vị, phát biểu, giải nhiệt, khu phong.

Thượng tinh là du huyệt của Đốc mạch, còn có tên là Minh đường (người xưa gọi mũi là Minh đường), ý nói Thượng tinh có quan hệ với mũi và bệnh tật vùng mũi. Thượng tinh có vị trí huyệt nằm thẳng phía trên chính giữa chân tóc trước trán chừng 1 tấc, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, thông lợi khiếu mũi.
Sau khi châm và ôn cứu các huyệt trên, chúng tôi kết hợp phương pháp tốc cứu (hỏa long cứu) trên 2 mạch Đốc (dọc sống lưng) và Nhâm (đường giữa trước bụng) để điều hòa âm dương, bồi bổ chân nguyên tạng phủ, đây là vận dụng nguyên tắc “phù chính khu tà” giúp nâng cao chính khí (sức đề kháng) để tiêu trừ bệnh tật.

Liệu trình điều trị từ 7-10 ngày (mỗi ngày châm cứu 1 lần), bệnh lâu ngày có thể châm cứu 2-3 liệu trình là đỡ hoặc khỏi, có thể kết hợp dùng thêm thuốc để chống tái phát.

PHAN CÔNG TUẤN

.