Thời gian qua, các hộ dân ở 2 tổ 17 và 18, phường Hòa Hiệp Bắc rất bức xúc vì nước thải từ các nhà máy trong Khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu tập trung về trạm xử lý nước thải của Công ty TNHH KHMT Quốc Việt, gây mùi hôi. Các hộ dân ở Khu dân cư Mân Thái cũng vừa gửi đơn phản ánh lên UBND thành phố về việc trạm xử lý nước thải của Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang gây mùi hôi.
Hồ nhận nước thải từ 13 doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang được che đậy sơ sài, bốc mùi hôi thối. |
Theo ghi nhận của chúng tôi tại tổ 18, phường Hòa Hiệp Bắc vào chiều 19-6 vừa qua, dù sau cơn mưa, nhưng bầu không khí đặc quánh mùi cao su rất khó chịu. Bà Lê Thị Tỵ - một người dân bức xúc: “Người dân phải chịu đựng mùi cao su hôi thối suốt ngày, rất khó chịu. Đã vậy, gần đây, cứ vào buổi chiều là gió đưa mùi hôi thối từ trên các hồ chứa nước thải về, đóng kín cửa nhà vẫn thấy hôi không sao chịu được. Người dân ở đây bức xúc lắm”.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đi dọc đường số 3 - KCN Liên Chiểu vào bên trong. Bên đường, cả dãy hố ga của cống thoát nước mưa không có nắp đậy. Còn dãy hố ga bên trong cũng không có các tấm đanh đậy, đơn vị quản lý dựng cọc buộc dây đỏ cảnh báo xung quanh và đậy kín miệng hố ga bằng vỏ bao xi-măng, cố định bằng gạch, đá. Ở cuối đường số 3, sau cơn mưa, nước chảy ào ào ra một khe nhỏ trắng đục và xông lên mùi cống. Ở bên cạnh là các hồ chứa, hồ xử lý nước thải của Công ty TNHH KHMT Quốc Việt đang được thi công. Một số hồ chứa đã được đậy kín bằng một loại nhựa tấm màu đen rất dày, các công nhân đang gia cố bên trên.
Ông Trương Văn Việt - Tổ trưởng, chỉ huy công trình xây dựng hồ chứa và xử lý nước thải KCN Liên Chiểu, thuộc Công ty TNHH KHMT Quốc Việt khẳng định: “Như anh thấy đó, bây giờ hoàn toàn không còn mùi hôi. Nước thải công nghiệp của các nhà máy xả vào cống dẫn được chúng tôi xử lý tạm thời bằng hóa chất Clorua Sắt III (FeCl3), rồi đưa vào bể chứa cũng đã được đậy kín miệng bằng tấm nhựa dày HPDE, bảo đảm không còn mùi hôi. Đến giữa tháng 7 này, giai đoạn 1 của trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu sẽ hoàn thành với 8 bể chứa. Sau khi hoàn thành toàn bộ công trình, sẽ trồng cây xung quanh và dự tính mở quán cà-phê tại đây nữa…
Mùi hôi thối gây bức xúc cho nhân dân vừa qua đã được Ban Quản lý KCN và lãnh đạo các nhà máy xác định là do nước mưa làm tràn các bể chứa nước thải của các nhà máy và các hố ga của cống dẫn nước thải công nghiệp không có các tấm đanh đậy do người dân đập phá lấy sắt đem bán hoặc do đơn vị quản lý thu lại nhằm tránh bị đập phá. Ngay sau đó, các hố ga đã được rào dây xung quanh và trước mắt dùng vỏ bao xi-măng đậy kín miệng, tạm thời không cho mùi hôi phát tán ra ngoài”. Cũng theo ông Trương Văn Việt, tổng trị giá công trình hồ chứa và xử lý nước thải KCN Liên Chiểu khoảng 18 tỷ đồng, với công suất thiết kế xử lý đạt 3.000m3 nước thải/ngày đêm. Từ tháng 12-2010 đến nay, trạm cũng đã nhận xử lý nước thải cho 3 doanh nghiệp là: Công ty CP Giấy Sức Trẻ, Công ty TNHH Giấy Thịnh Phú (từ tháng 5-2011) và Công ty CP Cao su Đà Nẵng (cách đây 2 tuần), với khoảng 300m3 nước thải/ngày đêm.
Tìm đến xác minh những nội dung phản ánh của các hộ dân ở Khu dân cư Mân Thái (gửi lên Chủ tịch UBND thành phố), đi trên các tuyến đường dẫn đến trạm xử lý nước thải của Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, chúng tôi khó chịu với mùi hôi thối tỏa ra từ các nhà máy, xí nghiệp bên đường. Bước vào cổng trạm xử lý nước thải của Công ty TNHH KHMT Quốc Việt khoảng 20m, mùi hôi xông lên nồng nặc từ hồ nhận nước thải của 13 công ty, xí nghiệp trong Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang.
Theo một số cán bộ, công nhân viên tại trạm, trạm xử lý nước thải này tiếp nhận xử lý trung bình 2.000m3 nước thải/ngày đêm, cao điểm có ngày lên tới 3.000m3 nước thải/ngày đêm. Hồ nhận nước chỉ được che đậy bằng tấm bạt như vậy vì mỗi năm phải mở lên để nạo vét bùn 3-4 lần. Nước thải được đưa qua hồ chứa FeCl3, hồ chứa FeCl2, hồ sục khí, hồ Cloryl (diệt khuẩn bằng phương pháp clofom)… để xử lý đạt chuẩn B rồi đổ ra môi trường. Đáng lẽ một trạm xử lý nước thải phải được xây dựng cách khu dân cư tối thiểu vài trăm mét, song trạm xử lý nước thải tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang cách Khu dân cư Mân Thái chỉ một bãi đất trống hẹp và một con đường rộng 7,5m. Hiện trạm này cũng không còn đất để trồng cây xanh bao bọc xung quanh và cũng chỉ mới trồng lưa thưa vài cây chuối.
Qua đây, đề nghị đơn vị quản lý sớm lắp đặt các đanh cống nước thải, Công ty TNHH KHMT Quốc Việt đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công đoạn xử lý nước thải ở KCN Liên Chiểu. Trước mắt, công ty cần có giải pháp đậy kín hồ nhận nước thải tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang bằng tấm nhựa HPDE để ngăn mùi hôi từ hồ này tỏa ra môi trường xung quanh; thành phố cũng cần sớm có chỉ đạo về việc trồng cây xanh (vùng đệm) bao quanh trạm xử lý nước thải này.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP