.

Xóm Mồ côi: Khổ vì dự án

.

Bài 1: Chuyện ngập úng

Xóm Mồ côi nằm cách biệt với cuộc sống ồn ào của phố phường, lọt thỏm dưới đại công trình Khu dân cư (KDC) số 4 Nam cầu Tiên Sơn, phía sau là dòng Hàn giang đang mùa nước đục.

Vườn nhà cụ Chiêu úng nước, cây rau không phát  triển được.
Vườn nhà cụ Chiêu úng nước, cây rau không phát triển được.

Từ khi công trình KDC Nam cầu Tiên Sơn khởi công đổ đất san nền, làm đường, xóm Mồ côi (tổ 9A, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) trở thành “vùng lõm” đựng nước. Hàng trăm con người ở tổ 9A rơi vào cảnh khốn khó vì mưa ngập, nắng bụi, bị cô lập với bên ngoài bởi nước từ khắp nơi dồn xuống mỗi khi mưa lớn kéo dài.

Người dân nơi đây cho biết, suốt 3 năm nay, từ khi công trình KDC số 4 Khu đô thị mới Nam cầu Tiên Sơn mở rộng do Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Nam Việt Á làm chủ đầu tư khởi công từ năm 2010, lấp đi sông Con chảy ra sông Cổ Cò - nơi thoát nước hằng năm, khiến tình trạng ngập úng trở nên trầm trọng. Mưa lớn kéo dài, nước từ các khu vực lân cận đổ dồn vào vùng lõm tổ 9A, nơi không có kênh mương thoát nước, khiến nước dồn ứ đọng lại và dâng cao, điển hình như đợt mưa từ tháng 7 đến cuối tháng 8 vừa qua. Đầu tháng 9, một trận mưa lớn xảy ra, sau khi người dân bày tỏ bức xúc, kiến nghị liên tục, các cấp chính quyền đã cho đào mương tạm để khơi thông dòng chảy, thoát nước tạm thời. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, đất mà mương nước chảy qua cũng là đất vườn của dân, việc thông mương này cũng chỉ thoát nước ở mức độ mưa nhỏ, còn mưa lớn kéo dài sẽ khó bảo đảm xóm Mồ côi thoát khỏi cảnh ngập sâu, ngập lâu.

Dù đã ngớt mưa từ lâu, nhưng con đường bê-tông chạy trước xóm Mồ côi vẫn ngập nước.
Dù đã ngớt mưa từ lâu, nhưng con đường bê-tông chạy trước xóm Mồ côi vẫn ngập nước.

Tại khu vườn cụ Thái Thị Chiêu, bà Trần Thị Bé - con gái cụ Chiêu cắt những mớ rau để chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai. Vườn úng nước, bùn sục lên mỗi khi bước chân qua, mấy thứ rau trồng lên không phát triển được, chỉ được vài đám rau khoai ở chỗ cao tươi xanh. “Đây là cơm áo, là nguồn thu nhập chính của hai mẹ con tôi. Nhưng ngập úng thế này, mai mốt lấy gì mà ăn đây”, bà Bé kể. Với vườn rau này lúc trước, mỗi ngày cụ Chiêu và bà Bé thu nhập từ 50.000 đồng trở lên, không dư giả nhưng cũng đủ cơm cháo qua ngày. Con đường bê-tông nhỏ trước nhà cụ Chiêu ngập nước từ đầu mùa mưa đến nay vẫn không có lối thoát, và còn ngập cho đến hết mùa mưa, chờ nắng lên để… bốc hơi.

Theo ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, tổ 9A năm nào mưa cũng ngập, có năm ngập sâu đến nửa mét, nhưng sau 1-2 ngày thì nước rút. Trong đợt mưa lớn vừa qua, UBND quận và phường đã cho đào mương thoát nước, tránh ngập úng kéo dài. Về lâu dài phải chờ các dự án của Nam Việt Á và Khu căn cứ cách mạng K20 triển khai, hoàn thành thì mới giải quyết triệt để được. Ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quận sẽ kiến nghị với đơn vị chủ đầu tư là Sở VH-TT&DL cho “lách” tiến trình dự án (Dự án bảo tồn, trùng tu Khu di tích lịch sử - Làng văn hóa K20), làm hồ điều tiết, hệ thống kênh mương gom nước và lắp trạm bơm trước để xử lý ngập úng.

Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, được biết, Sở không được phép làm trái với dự án đã được phê duyệt theo quyết định của thành phố và Bộ VH-TT&DL. Theo phê duyệt, dự án trải qua 2 giai đoạn, trong 2 năm 2011 và 2012 hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục xây dựng nhà truyền thống, đài tưởng niệm, cổng làng; mở đường giao thông rộng 10,5 mét. Đến hiện tại, dự án đang dở dang các công trình tu bổ, tôn tạo 4 nhà dân tiêu biểu vừa khởi công từ đầu tháng 8-2012. Theo ông Thanh, nguồn vốn năm nay triển khai giải ngân từ Bộ VH-TT&DL chuyển chậm (từ tháng 7-2012) nhưng về cơ bản sẽ hoàn thành các hạng mục theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt và “vốn đến đâu làm đến đó”.

Chỉ còn một quý nữa thì hết năm 2012, nhưng đến nay, các hạng mục như đài tưởng niệm, cổng làng, đường giao thông vẫn còn… nằm trên giấy. Và hệ thống hồ điều tiết, trạm bơm, mương thu gom nước xem ra vẫn còn phải chờ lâu, tình trạng ngập úng sẽ còn tiếp diễn. Người dân sẽ còn khắc khoải với câu hỏi bỏ lửng: Bao giờ hết ngập?

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.