Báo Đà Nẵng nhận được ý kiến của người dân sống dọc hai bên đường sắt đoạn chạy qua khu dân cư 2 phường Chính Gián và Xuân Hà (quận Thanh Khê), phản ánh về tình trạng dọc đoạn đường sắt này bị nước ngập lâu ngày, rác thải sinh hoạt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Rác thải, chuột chết gây ô nhiễm khu dân cư hai bên tuyến đường sắt. |
Đoạn đường sắt bị ô nhiễm nói trên dài gần 1km, nước đen sì, ngập lút gần hết lằn ray đường sắt và bốc mùi hôi thối, nham nhở rác thải sinh hoạt, xác chuột chết nằm lềnh bềnh… Theo phản ánh, tình trạng trên tồn tại nhiều tháng qua nhưng không đơn vị nào xử lý, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân trong khu vực. “Tình hình ô nhiễm ngày càng tồi tệ, mùi hôi xộc lên mũi, đến giờ ăn không nuốt nổi”, bà Năm (ở tổ 93, phường Xuân Hà) bức xúc.
Được biết, rác thải trên do hành khách đi tàu vứt xuống và do một bộ phận người dân kém ý thức xả bừa bãi. “Chúng tôi mong chính quyền địa phương, ngành đường sắt sớm có giải pháp hữu hiệu xử lý dứt điểm tình trạng trên để dân chúng tôi được nhờ”, bà Năm nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND phường Xuân Hà cho biết, do đường sắt không thuộc quyền quản lý của phường, nên với tình trạng ô nhiễm trên, về phía phường rất khó giải quyết nếu không được sự phối hợp từ ngành Đường sắt. “Chúng tôi vẫn thường ra quân dọn vệ sinh khu dân cư vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, trong đó có cả đoạn đường ray bị ô nhiễm, nhưng rất khó giải quyết triệt để tình trạng này”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 15-16 chuyến tàu vào ra Ga Đà Nẵng, các dịp Tết tăng lên 30 chuyến/ngày. Đối với các khoang hành khách đều đóng kín cửa nên việc vứt rác xuống đường ray rất hạn hữu. Công ty vẫn thường xuyên phối hợp với quận, các phường có đường ray đi qua ra quân tổng dọn vệ sinh, hỗ trợ về bao đựng rác, găng tay… Tuy nhiên, theo ông Bình, không thể chấm dứt triệt để tình trạng ô nhiễm nói trên nếu người dân vẫn không ý thức bỏ rác đúng nơi quy định.
Đối với tình trạng nước ngập lâu dài, một phần do nước mưa, phần nữa do người dân xả nước thải sinh hoạt ra và tình trạng này tồn tại nhiều năm nay, tác động không nhỏ đến chất lượng thanh ray do bị gỉ rét. Ngành Đường sắt cũng đã xây dựng hệ thống mương hai bên hành lang đường ray để thoát nước, nhưng do việc đấu nối với hệ thống cống thoát nước của thành phố chưa hiệu quả nên không thể giải quyết tình trạng ngập úng đường ray. Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước, Bộ Giao thông vận tải đã có thông báo gửi UBND thành phố Đà Nẵng về việc thống nhất phương án xây dựng hệ thống thoát nước cho ga Đà Nẵng, sẽ sớm triển khai trong năm 2013. “Theo tinh thần thông báo của Bộ Giao thông vận tải là vậy, song việc thực hiện cũng phải chờ phê duyệt dự án, có vốn đầu tư mới tiến hành được. Việc đấu nối sẽ thông với cống thoát nước ở đường Lê Độ”, ông Bình cho biết thêm. Mặc dù vậy, phương án trên cũng mới chỉ dừng lại ở việc… đề xuất, thông báo.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY