Ngày 25-2 vừa qua, TAND quận Hải Châu mở phiên tòa xét xử dân sự sơ thẩm “Tranh chấp bồi thường ngoài hợp đồng” liên quan đến ngôi nhà số 38 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng. Tại phiên xét xử này, TAND quận Hải Châu xem xét đơn khởi kiện của ông Lâm Trường Giang và bà Hoàng Thị Thu Hồng…; tuyên buộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với tư cách là “bị đơn” phải bồi thường cho bên nguyên đơn 1.547.200.000 đồng và phải chịu án phí, lệ phí định giá…
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều người tham dự phiên tòa ngạc nhiên và hoài nghi về sự xét xử thiếu công minh, có dấu hiệu bất thường của TAND quận Hải Châu.
Tại Hợp đồng thi công xây dựng (công trình số 36 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng) số 01/2009 ngày 25-12-2009, giữa VietinBank với Liên danh nhà thầu IDC và Xây dựng 204 được hai bên cam kết, ghi rõ trách nhiệm của Liên danh nhà thầu: “Nhà thầu phải bồi thường mọi thiệt hại do tất cả các hư hỏng, tổn thất và chi phí…, do bất kỳ sự can thiệp không cần thiết và không phù hợp nào gây ra…” (Trích điểm 8.11 Điều 8 Hợp đồng thi công ngày 25-12-2009). Quy định này trong hợp đồng thi công hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên bắt buộc các bên thực hiện và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Ngày 22-5-2011, trong khi nhà thầu đang thi công tầng hầm công trình tại số 36 Trần Quốc Toản thì xảy ra sự cố, gây sụt lún nền đối với ngôi nhà số 38 Trần Quốc Toản và làm hư hỏng một số tài sản của đơn vị thuê ngôi nhà này là Công ty TNHH Lê Mai Nhi.
Ngày 23-5-2011, Công ty TNHH Lê Mai Nhi có văn bản số 01/05/2011 yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó yêu cầu xây dựng mới hoàn toàn ngôi nhà như hiện có. Ngày 24-5-2011, Công ty TNHH Lê Mai Nhi lại tiếp tục có đơn đề nghị tạm ứng tiền thiệt hại là 1,27 tỷ đồng (gồm 3 khoản).
Nhà thầu IDC xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường của mình nên ngay sau đó thỏa thuận, tiến hành bồi thường toàn bộ thiệt hại ngôi nhà và tài sản cho Công ty TNHH Lê Mai Nhi do ông Lê Văn Trình làm giám đốc nhận số tiền bồi thường 2,27 tỷ đồng (trong đó phần thiệt hại ngôi nhà là 1 tỷ đồng). Và để khẳng định mình là đơn vị gây ra sự cố sụt lún, ngày 28-1-2013 nhà thầu IDC có Công văn số 08/CV-IDC gửi TAND quận Hải Châu thể hiện rõ quan điểm: “Lỗi này do nhà thầu thi công gây ra và trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại liên quan đến ngôi nhà số 38 Trần Quốc Toản thuộc về nhà thầu Công ty CPXD IDC”, đồng thời khẳng định: “Số tiền đã bồi thường là 2,27 tỷ đồng (trong đó bồi thường thiệt hại cho ngôi nhà số 38 Trần Quốc Toản 1 tỷ đồng). Việc ông Lê Văn Trình (Giám đốc Công ty TNHH Lê Mai Nhi) sau khi nhận 1 tỷ đồng này có sửa chữa nhà 38 Trần Quốc Toản hoặc giao 1 tỷ đồng cho ông Lâm Trường Giang hay không thì Công ty IDC không rõ”.
Cũng cần nói thêm rằng, trước phiên tòa xét xử (hoãn đi, hoãn lại nhiều lần), VietinBank đã nhiều lần gửi văn bản đến TAND quận Hải Châu, khẳng định mình không phải là “bị đơn” và điều này hoàn toàn phù hợp với điều khoản 8.11 Hợp đồng thi công công trình cũng như nội dung Công văn số 08/CV-IDC của Công ty CPXD IDC…
Thế nhưng, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 25-2-2013, không biết dựa vào căn cứ và điều khoản quy định nào của pháp luật mà TAND quận Hải Châu đã phớt lờ, cố tình không xem xét nội dung điều khoản 8.11 của Hợp đồng thi công công trình và nội dung Công văn số 08/CV-IDC ngày 28-1-2013 của Công ty CPXD IDC nên tuyên buộc VietinBank phải bồi thường cho Lâm Trường Giang - Hoàng Thị Thu Hồng 1.547.200.000 đồng và phải chịu án phí, lệ phí định giá mà những người tham dự phiên tòa cho rằng hoàn toàn không đúng pháp luật.
Qua những nội dung phân tích nêu trên, có đủ căn cứ và cơ sở pháp lý để khẳng định rằng: VietinBank không phải là bị đơn trong vụ án này và do đó không có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Phiên xét xử sơ thẩm của TAND quận Hải Châu ngày 25-2-2013 đã tuyên là không đúng người, không đúng tội, có dấu hiệu oan sai nghiêm trọng…
Ngoài ra, những người tham dự phiên tòa còn đặt nhiều nghi vấn trong việc trưng cầu giám định và định giá tài sản; giá trị bồi thường thiệt hại không có cơ sở pháp lý; thủ tục tố tụng, xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đưa nhân chứng vào tham gia tố tụng trong vụ án tùy tiện và khó hiểu, àm cho quyền lợi của “bị đơn” không được bảo vệ.
Vụ án đã trải qua 5 lần xét xử, kéo dài 8 tháng và hoãn đi, hoãn lại nhiều lần. Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, phía “bị đơn” VietinBank đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng và đơn kháng cáo gửi đến TAND thành phố Đà Nẵng về phiên tòa xét xử sơ thẩm này. |
LÊ HOÀI AN