.

Chợ hải sản gây ô nhiễm

.

Từ khi chợ hải sản ở phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) hoạt động vào tháng 5-2011 đến nay, người dân trong khu vực rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường do hệ thống thoát nước trong chợ chưa bảo đảm, hải sản chết thối được vất bừa bãi...

Chợ hải sản ở phường Thanh Khê Đông sau khi được nâng cấp.
Chợ hải sản ở phường Thanh Khê Đông sau khi được nâng cấp.

Chợ hải sản ở phường Thanh Khê Đông được xây dựng nhằm giải quyết căn bản tình trạng họp chợ tự phát trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Chợ được đầu tư xây dựng hơn 1 tỷ đồng, tọa lạc bên bờ sông Phú Lộc (nay là đường Yên Khê 2) với một nhà lồng và mặt nền bê-tông xi-măng chia thành 80 lô, không có các rãnh thu và thoát nước trên nền chợ. Sự bất cập này gây bức xúc cho người dân xung quanh chợ vào những ngày chợ đông hay chợ ế, bởi cá, ghẹ, nghêu, sò, ốc… được nuôi sống trong những thau nước biển để bán cho khách, và cứ thế đổ nước lênh láng trên mặt nền hoặc vào hệ thống cống thoát nước xung quanh chợ, gây mùi hôi thối.

Điều đáng nói là nhiều hộ kinh doanh còn đổ xác hải sản chết thối và không bán được vào các khu đất trống, vỉa hè tuyến đường trước mặt chợ, gây mùi hôi thối khiến người dân rất bức xúc. Bà Lê Thị Kim Thu (tổ 90, phường Thanh Khê Đông) cho hay: “Nhiều hộ còn đổ hải sản chết thối xuống sông Phú Lộc, nước thải từ chợ thường xuyên chảy ra các tuyến đường xung quanh, bốc mùi hôi giữa thời tiết nắng nóng”.

Theo UBND phường Thanh Khê Đông, nhận thấy bất cập về hệ thống thoát nước, quy hoạch bố trí ngành hàng lô quầy chưa phù hợp... ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của các hộ kinh doanh và gây mất vệ sinh môi trường, UBND quận Thanh Khê đã cho phép phường đầu tư hơn 220 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp hạng mục cấp và thoát nước, mái che nhà lồng bảo đảm hoạt động kinh doanh phù hợp với công năng của chợ kinh doanh hải sản. Sau hơn một tháng thi công, chợ đã đi vào hoạt động trở lại với 59 lô kinh doanh, trong đó 32 lô kinh doanh hải sản được đầu tư xây dựng hệ thống cấp và thoát nước tại chỗ cho từng lô, bảo đảm vệ sinh môi trường (còn lại 6 lô rau hành, 5 lô thịt và các lô ngành hàng khác). Việc nâng cấp và bố trí, sắp xếp phù hợp các ngành hàng không chỉ giảm thiểu tình trạng mất vệ sinh môi trường, mỹ quan, mà còn nhận được sự đồng thuận cao của các hộ tiểu thương.

Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, tuy hệ thống thoát nước ở khu vực kinh doanh hải sản bên trong chợ mới được xây dựng bài bản nhưng vẫn còn tình trạng tiểu thương để nước thải tràn ra tuyến đường Yên Khê 2. Ngay trước mặt chợ, một số hộ tiểu thương phơi cá gây mùi hôi thối bên cạnh khu vực đậu đỗ xe máy của khách hàng. Để giải quyết tình trạng mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị ở chợ hải sản vẫn còn nhiều việc phải làm.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.