Trong hai ngày 14 và 15-1, do Nhà máy Thủy điện A Vương ngừng xả nước phát điện nên dù trời có mưa nhiều ở thượng nguồn và mực nước trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ở mức 3,44m, nhưng độ mặn của nước sông Cầu Đỏ vẫn có lúc lên đến 40mg/l (độ mặn trung bình của tháng 12-2013 là 23,4mg/l).
Thực tế này đòi hỏi phải điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch để có nước đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ.
Sở NN&PTNT kiến nghị điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch để bảo đảm cấp nước sinh hoạt và nước tưới. |
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, cho biết, trước khi có các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia, hạ du sông Vu Gia rất ít khi gặp thiếu nước, trung bình 10 năm mới xảy ra 1-2 lần, thậm chí Nhà máy Nước Cầu Đỏ cũng trung bình 10 năm mới xảy ra 2-3 lần bị nhiễm mặn nặng, mỗi lần từ 2-3 ngày, cao nhất là 5 ngày, có năm không phải lấy nước từ thượng lưu đập dâng An Trạch. Nhưng trong năm 2013 đã phải vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch trong 9 tháng.
Hệ thống thủy lợi An Trạch được khôi phục, nâng cấp xong vào năm 2001 và quy trình vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch được ban hành vào năm 2005. Trong khi đó, trạm bơm phòng mặn An Trạch được xây dựng xong vào năm 2009. Mặt khác, quy trình này do chỉ tập trung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp nên đã có nhiều thiếu sót, không chú ý đến việc cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Nếu thực hiện theo đúng quy trình là đóng kín các cửa van đập dâng An Trạch (từ tháng 1 đến tháng 8 hằng năm) thì Nhà máy Nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng, không hoạt động được.
Bên cạnh đó, theo quy trình vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch, vào mùa kiệt (từ tháng 1 đến tháng 8 hằng năm), khi mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thấp hơn 2,27m, ưu tiên cấp đủ lượng nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Cầu Đỏ với lượng nước 250.000m3/ngày (tương ứng với lưu lượng 2,89m3/s), các trạm bơm trong hệ thống được vận hành theo chế độ cấp nước luân phiên theo đợt, mỗi đợt kéo dài 5 ngày. Nhưng thực tế thời gian qua, khi mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức 2,27m thì chỉ sau vài ngày, mực nước tại đập dâng An Trạch hạ xuống còn 1,6m làm tê liệt hệ thống trạm bơm vốn được thiết kế với độ cao cột nước 2m. Khi mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức 2,27m, thực tế không đủ nước cho hạ du mặc dù đã đóng kín cửa van các đập dâng An Trạch, Bàu Nít, Hà Thanh, Thanh Quýt.
Mặt khác, khi xây dựng quy trình vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch, mức bảo đảm tưới thiết kế ở tần suất 75%, nay tần suất đã tăng lên 85%, nghĩa là mực nước khống chế của sông Vu Gia tại Ái Nghĩa phải tăng lên so với quy định cũ để phù hợp với thực tế. Theo kinh nghiệm thì mực nước tại Ái Nghĩa phải đạt 2,8m mới đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du.
Từ sự bất hợp lý này, vào tháng 8-2013, trên cơ sở ý kiến đánh giá, đề xuất của đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố, Sở NN&PTNT đã gửi văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch để phù hợp với thực tế hiện nay.
Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, trong năm 2013, nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt quá mức cho phép 185 ngày, đã vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch với tổng cộng 3.862 giờ, đưa 22,34 triệu m3 nước sông Yên về cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất, và đã phát sinh chi phí sản xuất nước 10,3 tỷ đồng. Trong 2 năm 2012 và 2013, do nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng, chi phí sản xuất nước phát sinh 22,4 tỷ đồng. |
Bài và ảnh: NAM TRÂN