.
Tàu cá ĐNa-90090 TS bị nạn trên biển

Họa vô đơn chí

.

Ngày 4-3-2014, tàu cá mang biển số ĐNa-90090 TS của bà Nguyễn Thị Mót (thường trú tại tổ 124, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) bị nạn ở vùng biển Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).

Nguyên nhân do sương mù gây hạn chế tầm nhìn, tàu bị đâm vào bãi đá (Hòn Tai), thủng thân tàu và chìm. Phương tiện mưu sinh bị hỏng, nợ nần chồng chất, gia đình bà Mót rơi vào cảnh túng quẩn (theo nội dung đơn của bà Mót gửi Báo Đà Nẵng - PV).

Tàu ĐNa-90090 TS bị tai nạn được kéo về Âu thuyền Thọ Quang.
Tàu ĐNa-90090 TS bị tai nạn được kéo về Âu thuyền Thọ Quang.

Để đóng mới được tàu có công suất 90CV và ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản, gia đình bà Mót phải vay mượn gần 1 tỷ đồng (cách đây 7 năm - PV). Những năm gần đây, việc đánh bắt thủy sản gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng không trả hết được mà còn lãi mẹ đẻ lãi con.

Tháng 5-2013, từ tàu có công suất 90CV, gia đình bà Mót quyết định nâng công suất lên 150CV để đánh bắt xa bờ dài ngày. Số tiền vay mượn càng thêm chồng chất, chính khoản nợ ngân hàng không có khả năng trả dẫn tới hệ lụy nặng nề khi tàu bà Mót bị tai nạn trên biển.

Theo bà Mót trình bày, để có tiền vay ngân hàng, gia đình phải thế chấp tài sản (tàu cá - giấy đăng kiểm). Hằng năm, việc trả lãi và một phần nợ gốc vẫn được duy trì, ngân hàng sẽ chuyển giấy đăng kiểm qua Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), nên việc gia hạn đăng kiểm và mua bảo hiểm không có gì khó khăn. Để nâng công suất tàu lên, phải tốn chi phí hơn 100 triệu đồng, nên hết tiền trả nợ ngân hàng. Và vì thế, ngân hàng không chuyển giấy đăng ký tàu qua cho Chi cục Thủy sản, kéo theo đó là tàu gia đình bà trễ hạn đăng kiểm, không mua được bảo hiểm thân tàu.

Song song với sự việc đó, tàu ĐNa-90090 TS vẫn ra khơi với hy vọng trúng lộc biển để có tiền trang trải và trả nợ ngân hàng, đăng ký mới cho tàu (công suất 150CV), mua bảo hiểm để an tâm vươn khơi. Và rồi tàu bị nạn khi hồ sơ tàu “trống rỗng”. Gia đình bà Mót rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”, không những không có bảo hiểm chi trả, mà tiền nợ ngân hàng vẫn ngày một dày thêm, trong khi hoàn cảnh gia đình đang rối rắm đủ bề: phải nuôi mẹ già bị tai biến nằm một chỗ suốt 17 năm, cha già thương binh mất sức lao động, 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học (có đứa mới 8 tháng tuổi), chồng bị đau ốm thường xuyên vẫn phải đi theo tàu...

Sau khi tàu bị nạn, kinh phí trục vớt và kéo tàu từ Cù lao Chàm về Đà Nẵng hơn 100 triệu đồng, chi phí sửa chữa tàu trên dưới 200 triệu đồng. “Phải vay mượn bên ngoài thôi, nhưng vay ai bây giờ?”, bà cho biết.

Để tìm hướng hỗ trợ cho bà Mót, ông Trịnh Quang Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: “Bà Mót phải có đơn gửi Chi cục Thủy sản, với chức năng là cơ quan tham mưu, chúng tôi sẽ có kiến nghị phù hợp lên cấp trên và các cơ quan liên quan khác để có thể tìm hướng hỗ trợ giúp đỡ gia đình bà Mót”. Ông Vinh nói thêm, hiện nay công tác đăng ký, đăng kiểm đối với tàu cá, thủ tục rất nhanh chóng, không quá 5 ngày. Mặc dù vậy, các thủ tục, quy trình vẫn phải bảo đảm đầy đủ, đúng, chính xác và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng, nhanh chóng nhất.

Theo quy định, trước khi xuất bến, các tàu cá trên 20CV trở lên (bắt buộc đăng ký, đăng kiểm - PV) phải xuất trình giấy tờ qua trạm kiểm soát biên phòng mới được ra khơi. Tuy nhiên, tàu cá bà Mót vẫn “lọt” ra khơi, và bị rủi ro ngoài ý muốn...

Đối với tàu đánh bắt thủy, hải sản trên biển, hiện có 2 loại bảo hiểm: bảo hiểm thuyền viên - loại này đối với thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 100% cho các thuyền viên tham gia đánh bắt trên biển; bảo hiểm thân tàu - do chủ tàu tự nguyện mua. Bên cạnh đó, theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác trên các vùng biển xa, loại bảo hiểm thân tàu dành cho tàu đánh bắt xa bờ được hỗ trợ 50% kinh phí bảo hiểm tàu hằng năm.

Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 1.332 tàu đánh bắt cá, trong đó tàu có công suất nhỏ hơn 20CV là 523 chiếc (khối tàu này theo quy định không đăng kiểm). Tàu từ 20CV trở lên có 809 chiếc gồm: tàu từ 20CV đến nhỏ hơn 90CV là 568 chiếc (trễ hạn đăng kiểm 177 chiếc); tàu từ 90CV trở lên hoạt động vùng biển xa là 241 chiếc (trễ hạn đăng kiểm 1 chiếc - là tàu ĐNa - 90090 TS của bà Nguyễn Thị Mót).

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.