.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Đưa trẻ em đến với sách

.

Ngày nay, nhiều học sinh từ lúc học tiểu học, THCS đã được tiếp xúc với điện thoại thông minh, máy tính bảng… Do đó, sách không còn là nguồn độc quyền cung cấp tri thức, giải trí cho các em. Song, vẫn có nhiều hình thức để khuyến khích các em đến với sách.

Thanh, thiếu niên tham gia ngày chủ nhật đọc sách do Đoàn phường Hải Châu 1 tổ chức.
Thanh, thiếu niên tham gia ngày chủ nhật đọc sách do Đoàn phường Hải Châu 1 tổ chức.

Bên cạnh việc đến các nhà sách, mùa hè này, các em thiếu nhi sinh hoạt Đội, Đoàn ở nhiều phường trên địa bàn Đà Nẵng có sân chơi miễn phí về sách. Chị Hồ Thị Trà Vân, Bí thư Đoàn phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), cho biết kể từ đầu hè năm nay, cứ đến chủ nhật, thiếu nhi trên địa bàn phường đến sân đình làng Hải Châu để trao đổi và đọc sách. Đây là hoạt động trong chương trình sinh hoạt hè của Đoàn phường nhằm tạo sân chơi và nâng cao ý thức đọc sách cho các em.

Ngày 12-7 vừa qua, Đoàn phường Bình Thuận (quận Hải Châu) cũng lần đầu tiên tổ chức lễ hội sách cho thiếu nhi trong phường. Tại đây, các em sử dụng sách làm vật trung gian trao đổi để tham gia các trò chơi, đồng thời góp sách cho tủ sách của Đoàn phường.

Các mô hình trên được triển khai lần đầu nhưng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình không chỉ từ các em thiếu nhi mà còn từ phụ huynh. Theo ước tính của chị Trà Vân, mỗi ngày chủ nhật đọc sách tại sân đình làng Hải Châu thu hút hơn 100 thanh, thiếu niên từ tiểu học đến THPT trên địa bàn phường tham gia.

Tạo không gian đọc sách

Hiện nay, trên địa bàn thành phố hầu như không có không gian đọc sách miễn phí dành cho trẻ em, ngoại trừ Thư viện Khoa học tổng hợp đang được xây dựng và thư viện của các trường học đang đóng cửa trong dịp hè. Nhà thiếu nhi Đà Nẵng từng duy trì CLB đọc sách trong nhiều năm.

Song, trong 3-4 năm trở lại đây, nhu cầu đọc sách tại CLB của các em giảm dần nên chỉ hoạt động cầm chừng và đến hè năm nay đã ngừng hoạt động. Việc xây dựng các điểm đọc sách ở những nhà văn hóa các phường, quận cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh Trương Thanh Toàn, Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê, cho biết những điểm đọc sách này hoạt động không hiệu quả, không thu hút thiếu nhi nên đã dẹp bỏ.

Việc tổ chức các ngày đọc sách, ngày hội sách phần nào thúc đẩy thói quen đọc sách cho các em. Tuy vậy, hoạt động này chỉ diễn ra định kỳ, còn một không gian thật sự dành cho việc đọc sách thường xuyên vẫn chưa có. Đoàn phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) hiện có hơn 1.000 đầu sách được mua và quyên góp.

Tuy vậy, theo anh Đặng Ngọc Vinh, Bí thư Đoàn phường, việc xây dựng phòng đọc sách là rất khó, nhất là công tác chọn địa điểm và quản lý. Hơn nữa, xu hướng của nhiều thanh, thiếu niên hiện nay là dùng điện thoại, máy tính bảng để đọc sách, truyện tại nhà, chứ nhu cầu về không gian đọc sách giấy không còn nhiều như trước.

Nhiều lợi ích

Thật ra, việc xây dựng một không gian đọc sách cho thiếu nhi, nhất là trong dịp hè, có những lợi ích mà việc đọc sách qua các thiết bị điện tử không có. Các em cùng đến sinh hoạt sẽ làm tăng kỹ năng giao tiếp xã hội. Thêm vào đó, nguồn sách cũng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn về nội dung. Nhiều phụ huynh có con nhỏ đã tự tập hợp sách truyện cũ của các con và trao đổi cho nhau. Anh Hà (đường Núi Thành) đã sáng lập nhóm “Vui thôi mà” nhằm tạo ra sân chơi sách miễn phí, quyên góp sách từ chính các gia đình có con nhỏ. Anh mong muốn có nơi để các em nhỏ đến vui chơi, kể chuyện theo sách cho nhau nghe.

Anh Trần Nam Giang, Bí thư Đoàn phường Bình Thuận, chia sẻ nguyện vọng xây dựng tủ sách công cộng, đặt tại trụ sở phường trên đường Trưng Nữ Vương. Theo đó, các đầu sách sẽ được vận động, quyên góp từ những hộ dân, các tổ chức, doanh nghiệp. Trong ngày hội sách của Đoàn phường Bình Thuận, nhiều phụ huynh ủng hộ nhiệt tình ý tưởng này. Song, khó khăn là việc thay đổi các đầu sách liên tục để phù hợp với nhu cầu của độc giả, bởi điều này cần không ít kinh phí.

Anh Đặng Ngọc Vinh, một Bí thư Đoàn có kinh nghiệm gắn bó với các phong trào thanh, thiếu niên, cho biết nhiều lúc các em nhỏ sinh hoạt trên địa bàn phường đã làm anh ngạc nhiên về số lượng sách đã đọc, trong đó có cả tác phẩm văn học kinh điển. Thậm chí, các em còn dựa vào thế mạnh công nghệ để tự thành lập các diễn đàn trao đổi sách qua facebook. Đây vừa là động lực, vừa là thách thức cho phụ huynh, các nhà quản lý trong việc tạo ra sân chơi sách không chỉ bổ ích về mặt phát triển kiến thức và kỹ năng, mà còn phải đủ hiện đại, đủ hấp dẫn để thu hút các em…

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.