Người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) vẫn mong mỏi có một cái chợ để tiện giao thương. Đến nay, giấc mơ đó chưa thành hiện thực. Nếu nhanh thì ít nhất 2-3 năm nữa, chợ mới được hình thành tại đây.
Chưa có chợ, bà Lý dựng sạp tạm bán tại ngã ba đường thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc. |
Về Hòa Bắc, hình ảnh quen thuộc suốt dọc đường qua các thôn Lộc Mỹ - cánh Tây Bắc hoặc Tà Lang, Giàn Bí - cánh Nam giữa đôi bờ Cu Đê là chiếc xe máy cà tàng chở đủ thứ đồ hàng hóa lỉnh kỉnh của mấy bà, mấy chị từ mạn xuôi lên bán rao cho người dân bản địa. Đó là mớ rau, con cá, hàng tôm, hàng tép…, những thứ mà ở miền núi Hòa Bắc còn thiếu hoặc có nhưng không thường xuyên.
Đã thành lệ, chị Nguyễn Thị Hà (ở Nam Ô, quận Liên Chiểu) mỗi ngày đều chở hàng thực phẩm lên bán cho người dân xã Hòa Bắc, cho biết: “Từ giữa đêm về sáng, tôi phải trở dậy lấy hàng từ chợ Hòa Khánh cho kịp chuyến lên vùng núi Hòa Bắc này để bán cho bà con. Hàng vừa tươi sống, vừa kịp giờ trước lúc bà con ra đồng. Mỗi thứ một ít, gom lại cũng nặng chuyến, cứ đến khoảng 8-9 giờ sáng là gần hết chuyến. Ban đầu, lạ nước lạ cái, khó bán, sau quen rồi thì cũng lắm người nợ, người thiếu đến mùa thu hoạch mới trả tiền mua hàng. Cứ thế, tôi cũng đã gắn bó với “con đường hàng rong” ĐT 601 mấy năm. Mai kia có chợ, chắc tôi cũng thuê một lô mở sạp bán cho người quen cũ”.
Bà Nguyễn Thị Hồng (ở thôn Nam Yên) đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, vẫn ao ước có cái chợ gần nhà thì vui biết mấy. Bà kể, hồi trẻ thi thoảng xuống Liên Chiểu mua đồ ăn, thức uống, nhưng do không thể lưu trữ dài ngày nên vẫn tự túc thực phẩm mình trồng, nuôi được là chính. Bây giờ già rồi, cũng may có mấy người bán rao, rồi một số bà trong thôn mở sạp bán gần nhà, cũng đỡ phải đi lại, thực phẩm cũng đáp ứng cơ bản. Dẫu vậy, có cái chợ thì không chỉ mua bán, mà được đến chợ cũng vui hơn, có không khí hơn.
Bà Ngô Thị Lý mở sạp hàng bán thực phẩm tại ngã ba đường thôn Nam Yên hơn một năm nay, sổ ghi nợ của bà cũng đã lật đến cuốn thứ 3. “Cũng như mấy bà bán hàng rao, nửa đêm về sáng tôi cũng phải trở dậy xuống Hòa Khánh để lấy hàng, 5-6 giờ sáng về đến đây, soạn ra bán cho người dân. 10-11 giờ trưa thì nghỉ, chiều bán lại cho đến 16-17 giờ thì bỏ lên xe đi bán rao. Có hôm cũng ế hàng nhưng ít khi bị dư lại nhiều.
Cách mua ở đây cũng khác, vẫn đậm chất thôn quê nên chuyện nợ qua mùa là bình thường. Người có xe, có điều kiện họ chạy xuống dưới Liên Chiểu đi chợ, dân quanh vùng vẫn quen tạt qua đây mỗi khi đi làm đồng về để mua thức ăn về dùng. Có tiền thì trả, không thì ghi sổ (nợ), đến mùa thu hoạch bán lúa (hoặc trâu, bò) trả lại. Mình biết “tập quán” đó, nên cũng chuẩn bị số tiền vốn để không bị hụt khi nhiều người nợ để duy trì nguồn hàng bán cho bà con. Còn chuyện xây dựng chợ mới, mình cũng đồng ý, nhưng làm sao cho hợp lý vì Hòa Bắc có địa hình khá chia cắt”, bà Lý nói.
Đề án xây dựng chợ Hòa Bắc đã được chính quyền xã Hòa Bắc xây dựng từ lâu. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, trong đó đáng quan tâm là nguồn vốn, tính hợp lý trong quy hoạch chợ… nên chưa thể triển khai xây chợ mới. Chợ là một trong 19 tiêu chí về “xây dựng nông thôn mới”. Tháng 7-2015, UBND huyện Hòa Vang đã có cuộc thẩm tra về kết quả các tiêu chí nông thôn mới các xã trên địa bàn. Trong số 5 xã gồm Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên và Hòa Bắc, duy chỉ xã Hòa Bắc còn 2 tiêu chí là chợ và môi trường chưa đạt.
“Về tiêu chí chợ, hiện không quá ảnh hưởng đến việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Tuy vậy, trong tương lai gần, Hòa Bắc sẽ phải xây dựng chợ để đáp ứng nhu cầu giao thương, thuận lợi cho người dân đi lại mua bán. Cũng cần phải chờ quá trình quy hoạch Trung tâm Hành chính xã hoàn thành, mới tiến hành đầu tư xây dựng chợ (nằm trong trung tâm này), dự kiến triển khai sớm cũng khoảng từ năm 2016 trở đi”, bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết.
Theo đó, quy hoạch Trung tâm hành chính xã đã được thành phố phê duyệt dự án hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Chợ Hòa Bắc sẽ được xây dựng với tổng diện tích trên 5.000m2. “Chủ trương của thành phố và huyện xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương. Dẫu vậy, để xây dựng chợ, phải tính toán các phương án tối ưu nhất, bảo đảm hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu của tiểu thương cũng như của người dân toàn xã. Sau khi có thông báo, xã đã lấy ý kiến của tiểu thương và đã thống nhất kế hoạch xây dựng chợ mới. Xây dựng chợ là cần thiết, song phải thận trọng, tính toán kỹ, để tránh xây chợ rồi nhưng không hoạt động được”, bà Hà nói.
Mong mỏi của người dân về chợ mới là có thực. Song, để theo “đúng quy trình”, giấc mơ chợ mới của người Hòa Bắc vẫn còn tiếp tục chờ…
Bài và ảnh: TRỌNG HUY