.
Qua đường dây nóng

Đường ngập nước quanh năm

.

Ở các tổ 128, 129, 132, 133, 115, 116... thuộc khu vực Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) suốt nhiều năm nay, tình trạng nước ngập úng trên đường liên tổ diễn ra triền miên.

Người dân đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng, nhưng đến nay các biện pháp xử lý tình trạng trên vẫn chỉ mang tính tạm thời.

Đường liên tổ - đoạn qua tổ 129, phường Hòa Khánh Nam thường xuyên bị ngập.
Đường liên tổ - đoạn qua tổ 129, phường Hòa Khánh Nam thường xuyên bị ngập.

Giải pháp căn cơ là các dự án thoát nước nội bộ khu vực Đà Sơn nói riêng và dự án liên quan được tiến hành thi công, sớm khớp nối mới mong giải quyết dứt điểm. Song, những dự án hiện đã có quyết định công bố, nhưng bao giờ triển khai thì người dân và chính quyền địa phương đều không thể biết.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (ở tổ 129, phường Hòa Khánh Nam) cho biết: “Nhà tôi ngập là điều đương nhiên, vì chú đi ngoài đường liên tổ thấy nước luôn lấp xấp mặt đường. Mặt đường cao hơn nhà tôi gần nửa mét, bảo sao nhà tôi không ngập. Con đường liên tổ quanh năm suốt tháng cứ nước xâm xấp, không mấy khi tạnh ráo cho người dân qua lại thuận lợi. Ghẻ chân, muỗi vằn, mùi hôi thối do bùn đất bị ngâm lâu, sình lên bốc theo gió bay tạt vào các nhà dọc đường cứ tháng này qua tháng khác, hành hạ người dân.

Đường bê-tông ngâm nước lâu ngày để mốc meo, rồi thành hục giữa đường, người già, trẻ em đi bộ trơn trượt suốt ngày. Những lúc nước ngập sâu do mưa to thì thanh niên đi xe máy còn bị sập hục, té xe là chuyện “thường ngày ở huyện”. Nhà tôi bán bún buổi sáng, do mưu sinh phải duy trì chứ mỗi lần khách ngồi ăn, có hai chiếc xe máy chạy qua, tránh nhau làm té nước lên khách, ai cũng ngán ngẩm”, bà Hạnh nói.

Ông T.V.C, một “thổ địa” ở khu vực này, đưa phóng viên đi vòng quanh những tổ bị nước ngập tràn ở các tuyến đường liên tổ, cho biết tình trạng này diễn ra nhiều năm nay. Người dân bức xúc, kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng mong sớm có giải pháp xử lý dứt điểm, nhưng khu vực này do nằm trong vùng quy hoạch dự án, lại là dự án “treo” nên kêu mãi chưa thấu.

“Việc nước ngập mặt đường ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, khó khăn trong đi lại, nhất là trẻ em đi học, người già đi bộ qua lại đã đành, điều đáng lo nữa là đang mùa cao điểm dịch sốt xuất huyết, các chi bộ, các ban điều hành tổ dân phố và người dân ở đây rất lo lắng sự bùng phát ổ dịch. UBND phường cũng thường xuyên đôn đốc kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhưng với hiện trạng này, chẳng biết giữ được bao lâu”, ông C. nói.

Theo ông C., lý do ngập úng một phần do vùng này nằm trong quy hoạch dự án Nam đường Hoàng Văn Thái, bị “ngâm” quá lâu, sau đó điều chỉnh dự án thành chỉnh trang, vẫn chưa thực hiện. Việc xây dựng, cơi nới rất khó. Mặt khác, quá trình xây dựng nhà cửa, người dân cũng chưa có ý thức làm đường ống thoát nước dẫn ra mương thoát nước chung của khu vực, nên nước sinh hoạt cứ tràn ra đường rồi… tự tìm lối thoát bằng cách chờ bốc hơi.

Được biết, các tổ nói trên ở khu vực Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam nằm trong dự án Khu dân cư phía Nam đường Hoàng Văn Thái, được phê duyệt điều chỉnh mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 6531/QĐ-UBND ngày 16-9-2014.

Theo quyết định này, một mặt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, mặt khác điều chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong phần điều chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quyết định nêu rõ: “Trước khi tiến hành các bước xây dựng cơ bản tiếp theo, Ban quản lý dự án xây dựng số 2 có trách nhiệm phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng lập hồ sơ quy hoạch chiều cao và thoát nước”.

Đồng thời, ngày 14-4-2015, UBND thành phố có Quyết định số 2053/QĐ-UBND về việc phê duyệt ranh giới quy hoạch sử dụng đất Tuyến cống thoát nước từ chân núi Phước Tường về hồ điều tiết Phước Lý thuộc Hợp phần 1- Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.

Ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết khi dự án Tuyến cống thoát nước từ Phước Tường về hồ Phước Lý được triển khai thi công hoàn thành, đồng thời dự án thoát nước (theo Quyết định số 6531) được thực hiện xong, thì sẽ khớp nối vào nhau. Lúc đó, cơ bản tình trạng ngập úng triền miên tại các tổ nói trên được giải quyết. Vấn đề là các dự án trên bao giờ triển khai, trong khi các quyết định mới chỉ dừng ở mức “phê duyệt ranh giới” và “điều chỉnh quy hoạch”. Trong khi, thực trạng đường ngập nước quanh năm, “hành” dân diễn ra triền miên…

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.