Gần chục năm qua, dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu được quy hoạch nhưng chưa triển khai xây dựng khiến cuộc sống người dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn.
Dòng nước thải ô nhiễm chảy qua khu vực tổ 61 phường Hòa Khánh Bắc. |
Bà Nguyễn Thị Hà (tổ 61, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Hồng Phước rất nghiêm trọng. Nước thải sinh hoạt từ khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh đổ ra đen ngòm, bốc mùi hôi thối, nhất là vào ngày nắng nóng.
Theo ông Đặng Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, khu vực dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu (phường Hòa Khánh Bắc) có 3 tổ bị ảnh hưởng gồm 61A, 61B, 61C với khoảng hơn 200 hộ. Năm 2011, UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định Số 4424/QĐ-UBND về thu hồi đất, giao đất cho Sở Giao thông vận tải đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu. Tuy nhiên, khu vực quy hoạch sau đó bị chồng lấn giữa dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu và dự án Vệt cây xanh cách ly, nên công tác kiểm định, xác định ranh giới các hộ cũng như phương án đền bù giải tỏa, xét tính pháp lý của các hồ sơ đền bù giải tỏa phải kiểm tra lại.
Đến nay, một số hồ sơ bị chồng lấn mới được bàn giao từ dự án Vệt cây xanh cách ly qua cho dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu để thực hiện đền bù giải tỏa. Theo ông Nhật: “Hai dự án cùng vị trí nhưng phương án bố trí tái định cư đối với các hộ giải tỏa lại khác nhau, chênh đáng kể nên người dân còn băn khoăn và chưa thống nhất. Riêng dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu đã 3 lần thay đổi, bổ sung phương án bố trí tái định cư đối với các hộ giải tỏa để phù hợp với thực tế cũng như quyền lợi chính đáng của người dân. Hiện tại, dự án Vệt cây xanh cách ly chưa có sự thống nhất giữa người dân và đơn vị làm công tác đền bù giải tỏa”.
Theo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên - đơn vị điều hành dự án, dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu và các công trình phụ trợ có công suất 20.000m3/ngày đêm, xây dựng trên tổng diện tích 100.000m2. Trong đó, diện tích xây dựng công trình chiếm 21,7%, diện tích dự trữ cho giai đoạn sau năm 2030 là 78,3%. Chi phí xây dựng và vận hành dự toán gần 232,3 tỷ đồng (vận hành và bảo dưỡng nhà máy trong 5 năm), dự kiến khởi công vào tháng 6-2017, đến tháng 12-2018 hoàn thành. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, có 372 hồ sơ, trong đó xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) 195 hồ sơ, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) 177 hồ sơ. Đoạn qua xã Hòa Liên đã kiểm định và phê duyệt tính pháp lý, nhận tiền và bàn giao mặt bằng 175/195 hồ sơ. Đoạn qua phường Hòa Khánh Bắc đã kiểm định và họp xét tính pháp lý, có 124 hồ sơ nhận tiền (trong đó 23 hồ sơ bàn giao mặt bằng và 101 hồ sơ nhận 80% tiền đền bù dất). Theo ông Đặng Đức Nhật, dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu có 205 hồ sơ, hiện mới phê duyệt 54 trường hợp, có thông báo có đất tái định cư nhưng mới 30 trường hợp được nhận thông báo từ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố.
“Những hộ nằm trong quy hoạch hai dự án nói trên đều là người dân Hồng Phước, điều kiện sống giống nhau. Ở đây có truyền thống cách mạng cũng như tình đoàn kết, gắn bó nên người dân sau giải tỏa muốn được tái định cư thành một cụm để lưu giữ truyền thống này. Việc triển khai dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu công nghiệp mà còn đưa người dân Hồng Phước thoát khỏi cảnh chưa mưa đã ngập”, ông Nhật chia sẻ.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY