Các điểm trung chuyển rác hiện nay hầu hết đều tự phát, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, tác động không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Điểm trung chuyển rác tại hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung gây cảnh nhếch nhác ngay trung tâm thành phố. |
Theo đại diện Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 40 điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, tập trung ở các địa bàn nội thị Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê… Ngoài 3 điểm trung chuyển rác có quy mô từng nằm trong quy hoạch gồm điểm trung chuyển đường Ngô Gia Tự, Công viên 29-3 và tại khu vực bến Đò Xu, còn lại đa phần đều tự phát và do các địa phương “giới thiệu” cho Xí nghiệp Môi trường đặt làm điểm chờ nâng rác.
Đáng nói, trong 3 điểm có quy mô kể trên, đến nay chỉ còn điểm trung chuyển ở bến Đò Xu hoạt động, 2 điểm còn lại đã bị giải tỏa vì gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Hiện nay, điểm trung chuyển rác tại bờ hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung (di dời từ Công viên 29-3 ra đây) và điểm trung chuyển trên đường Hoàng Diệu - Nguyễn Văn Linh gây bức xúc. Việc di dời, giải tỏa 2 điểm này sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Do không còn thực hiện thu gom rác theo giờ ở nội thị (quận Hải Châu), thay vào đó là thu gom trực tiếp bằng xe cơ giới nên đã hạn chế phần nào các điểm tập kết rác tự phát như trước đây.
Ở khu vực quận Sơn Trà, hiện vẫn còn khoảng 20 điểm tập kết rác chờ trung chuyển. Ông Nguyễn Phước Nhiên, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị quận Sơn Trà cho biết, mỗi ngày xí nghiệp thu gom khoảng 160 tấn rác thải, trong khi chỉ có 2 xe 9 tấn, 2 xe 4,5 tấn thu gom và chuyển lên bãi rác Khánh Sơn.
Nếu vận hành hết công suất cả 4 xe thì ít nhất phải đến 3 giờ sáng hôm sau mới lấy hết lượng rác thải tại các điểm tập kết rác, nghĩa là tình trạng rác chờ vẫn tồn tại. Trước đây, trên địa bàn quận Sơn Trà có khoảng 50 điểm chờ trung chuyển rác, đến nay còn khoảng 20 điểm.
“Về lâu dài, nếu không quy hoạch điểm trung chuyển rác thải, sẽ không còn chỗ đặt làm điểm trung chuyển rác như hiện nay bởi dân cư phủ kín các khu đất trống”, ông Nhiên nói.
Theo ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, mỗi ngày công ty thu gom khoảng 900 tấn rác thải. Mặc dù đã vận dụng hết công suất thu gom, vận chuyển nhưng tình trạng rác chờ (chưa kịp thu gom) vẫn tồn tại.
Đây là một phần nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cũng như mất mỹ quan đô thị. Để hạn chế phát sinh các điểm trung chuyển rác thải, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã đề nghị thành phố phê duyệt trạm xử lý rác thải kín trên đường Lê Thanh Nghị, với công suất 200 - 240 tấn/ngày.
“Khi trạm này đi vào hoạt động sẽ giải quyết phần lớn lượng rác thải tươi từ khu vực Hải Châu, một phần Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn đổ dồn lên bãi rác Khánh Sơn. Mặt khác, chúng tôi sẽ cải tiến công nghệ thu gom rác thải, tăng cường cơ giới hóa.
Đồng thời, tiếp tục duy trì trạm xử lý rác thải kín trên đường Nguyễn Đức Trung để giải quyết phần lớn rác thải tươi khu vực Thanh Khê. Chỉ còn địa bàn Sơn Trà là tiếp tục duy trì thu gom rác thải như lâu nay”, ông Tiên cho biết.
Theo ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố, câu chuyện “quên” quy hoạch các khu đất làm điểm trung chuyển rác thải là thiếu bài bản, không hợp lý. Ông Hùng kiến nghị rà soát lại các khu dân cư cũ - nơi có những khoảng đất rẻo, đất thừa để làm điểm trung chuyển rác.
Các đồ án xây dựng khu dân cư mới, khu chung cư nhất thiết phải dành phần không gian làm điểm trung chuyển rác. Bên cạnh đó, ngành môi trường cần cải tiến công nghệ thu gom rác thải trong các khu dân cư, xây dựng trạm xử lý rác thải hiện đại, tuyên truyền người dân phân loại rác thải đầu nguồn. Có vậy mới mong sớm xóa tình trạng ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị do các điểm trung chuyển rác tự phát gây ra.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY