Nhịp cầu kết nối tình thương

.

“Anh gì ấy ơi!”, nghe tiếng gọi tôi quay lại. Trước mặt tôi là một phụ nữ chừng 40 tuổi, dáng người nhỏ, khắc khổ, chị rụt rè hỏi: “Anh có phải là nhà báo...?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Sao chị biết tôi và có việc gì không?”.

Mặc dù hỏi vậy, nhưng với linh tính một người làm báo, lại đang ở bệnh viện, tôi cũng lờ mờ đoán ra sự việc. Sau một hồi do dự, chị nói: “Em ở Điện Bàn, Quảng Nam đưa mẹ ra đây chữa bệnh. Bác sĩ nói cần phải mổ gấp, nhưng lúc này bệnh viện đang thiếu nhóm máu của mẹ, nhà báo có cách gì không?”.

Với tôi, những bảo mẫu dù đồng lương ít ỏi vẫn ngày đêm chăm lo cho những đứa trẻ ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thành phố luôn là tấm gương sáng.                     Ảnh: P.V
Với tôi, những bảo mẫu dù đồng lương ít ỏi vẫn ngày đêm chăm lo cho những đứa trẻ ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thành phố luôn là tấm gương sáng. Ảnh: P.V

...Hơn nửa tháng sau gặp lại khi chị đưa mẹ đi dạo trong hành lang Bệnh viện Đà Nẵng, chị vui vẻ khoe ca phẫu thuật của mẹ đã thành công. Và đến lúc này, chị mới bật mí vì sao biết tôi. Chị kể: “Lúc mẹ em đau có người bạn vô thăm và giới thiệu anh, nói việc này chỉ có nhà báo mới làm nhanh được, nếu trễ thì mẹ em chết mất!”.

Tôi khéo léo từ chối lời cảm ơn và nói với chị rằng, tôi không phải là người cho máu mà chỉ là người gọi điện thoại xin máu cho mẹ chị thôi. Và tôi hứa sẽ chuyển lời cảm ơn đến những người đã thầm lặng làm việc nghĩa này…

Hơn 10 năm trước, trong lúc ngồi quán cà-phê với người bạn chung trường, giờ đã là giám đốc chi nhánh một hãng sữa nổi tiếng của Anh tại Việt Nam, tôi đã tâm sự muốn bỏ nghề vì đi nhiều, thấy nhiều cảnh khổ cực, những số phận bi đát nhưng bản thân bất lực vì một nhà báo như tôi không đủ sức làm được gì để giúp họ.

Lúc đó bạn tôi chỉ khuyên: “Bạn không làm được thì hãy là nhịp cầu kết nối cho nhiều người cùng làm”. Câu nói đó không những đã giữ tôi lại với nghề và hơn nữa đem lại cho tôi niềm vui, niềm hạnh phúc khi đóng vai “người kết nối” để giúp người cần giúp đỡ và người giúp đỡ gặp nhau.

Hơn một năm trước, trong một lần đến Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố để viết bài, mặc dù đã hình dung mọi việc, nhưng tôi thực sự sốc khi đến phòng của những đứa trẻ tật nguyền bị bỏ rơi và được đưa về đây nuôi dưỡng.

Nhìn những đứa trẻ với đôi mắt ngây dại, chân tay co quắp, miệng méo mó húp từng ngụm cháo từ những bảo mẫu mà thấy thương các con quá. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm cũng tranh thủ “vận động”: Nhà báo ơi! Thương thì làm chi cho các con không? Câu nói thoáng qua của chị khiến tôi loay hoay suy nghĩ mãi không biết phải làm gì giúp các cháu. Thôi thì làm “người kết nối”.

Về khai thật với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những nhà hảo tâm, cuối cùng chúng tôi cũng xoay ra được hơn chục triệu đồng cho mỗi em một bộ quần áo và sữa uống trong một tháng. Rồi mới đây, khi ghé Gia đình số 3 thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố thành phố Đà Nẵng để viết bài về công tác chuẩn bị năm học mới, vừa bước vào cổng, tôi đã nghe giọng chị Hiền, người phụ trách gia đình nói như reo:

“Ôi! Nhà báo đến rồi, chỗ quen biết nên chị nói thật, gần khai giảng rồi mà chị mới xin được vải, còn tiền may gần 30 bộ đồ không biết lấy ở đâu, thôi nhà báo alô xin hỉ?”. Thế là tôi tiếp tục làm “người kết nối”, alô cho bạn bè và cuối cùng cũng vận động đủ tiền cho các em lấy đồ về mặc.

Nghề báo phải đi, phải trải nghiệm mới có tư liệu để viết. Có những trải nghiệm thật giá trị, ý nghĩa, chí ít cũng là nguồn động viên để thêm một lần mình sống cho tốt. Nhưng cũng không thể tránh khỏi những trải nghiệm... đáng quên về sự vô tư trên nỗi khổ, nỗi đau của người khác.

Còn nhớ vài năm trước, tôi nhận được cú điện thoại của một doanh nghiệp mời đi đưa tin về chuyến tặng quà từ thiện ở tỉnh Quảng Nam. Tôi đến đúng hẹn nhưng giám đốc doanh nghiệp chạy ra xuýt xoa:

“Nhà báo thông cảm, hôm nay bên truyền hình bận không đi được nên hoãn! Doanh nghiệp mà, mình làm từ thiện nhưng cũng cần có hình ảnh để quảng bá công ty!”. Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến cuộc điện thoại của một chị cán bộ phụ nữ của một xã ở tỉnh Quảng Ngãi sau chuyến đi từ thiện.

Đó là dịp chúng tôi tháp tùng theo một hội ở tỉnh phía Bắc vào tặng quà bà con vùng núi sau cơn bão lớn. Đoàn từ thiện đi 4 chiếc xe loại 12 chỗ, đến tặng 200 suất quà, mỗi suất trị giá 200.000 đồng. Thôi thì của ít lòng nhiều, nhưng điều làm chúng tôi băn khoăn là buổi tiếp đón quá “hoành tráng” của chính quyền địa phương.

Bữa cơm trưa tiếp đoàn cả hai bên có gần 50 người và nhiều thùng bia hết sạch. Trên đường về, tôi lại nhận được điện thoại của chị cán bộ phụ nữ nọ: “...giá như buổi cơm trưa nay đạm bạc hơn một chút, ít người dự hơn một chút chắc có lẽ bà còn có thêm cả trăm suất quà nữa...”. Tôi im lặng, không biết nói gì với chị khi mình cũng là “thực khách” bất đắc dĩ hôm đó.

Hơn 20 năm trong nghề báo, không biết bao nhiều lần tôi phải/được nghe câu “Nhà báo ơi!” với đủ tâm trạng buồn, vui như thế. Thậm chí có lúc còn sợ không dám cầm máy số lạ bởi sợ mình có thể làm ai đó thất vọng khi không thể đáp ứng được lời thỉnh cầu. Nói vậy nhưng bao giờ tôi cũng cầm máy và “được” nghe chia sẻ những nỗi đau, những hoàn cảnh ngặt nghèo như thế.

Xen lẫn những lần vui khi hoàn thành được vai “người kết nối” cũng có những lần “thất hứa” vì không thể giúp được gì khi sự việc quá lớn so với khả năng kết nối của bản thân. Âu đó cũng là cái “nghiệp” mà bất cứ nhà báo chân chính nào cũng phải trả như tôi mà thôi, phải động viên vậy để mà còn được nghe “Nhà báo ơi !...”.

P.V

;
.
.
.
.
.
.