Bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 14B: Các giải pháp cần đồng bộ và hợp lý

.

Sau khi đăng loạt bài Bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 14B: Vấn đề bức xúc (số ra ngày 28 và 29-9), Báo Đà Nẵng nhận được thông tin phản hồi từ Sở Giao thông vận tải, Công ty CP Cảng Đà Nẵng và các tài xế container về những giải pháp xử lý trước mắt cũng như lâu dài để tuyến đường này giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm do xung đột giao thông, đồng thời bảo đảm hoạt động cho doanh nghiệp.

Nhằm hạn chế tai nạn giao thông, người điều khiển xe máy không nên chạy song song hoặc chạy trước đầu xe container. 				    Ảnh: AN NHIÊN
Nhằm hạn chế tai nạn giao thông, người điều khiển xe máy không nên chạy song song hoặc chạy trước đầu xe container. Ảnh: AN NHIÊN

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT):

Xây dựng phương án và báo cáo đề xuất UBND thành phố trong tháng 10

Sở GTVT đã phối hợp Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố tiến hành khảo sát, định hướng các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên trục đường Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn.

Tuy nhiên, để có thời gian lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nhằm phù hợp với điều kiện thực tế cũng như tình hình dân cư sinh sống hai bên đường, Sở GTVT xây dựng phương án và báo cáo đề xuất UBND thành phố trong tháng 10-2018.

Sở GTVT cũng đã đề nghị Hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Đà Nẵng có ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư, nguồn vốn thực hiện và công ty chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương tiến hành thực hiện khảo sát, thiết kế sơ bộ phương án bến sà lan mới và xây dựng phương án trung chuyển đã chọn để gửi về Sở GTVT trước ngày 30-9-2018 xem xét, báo cáo UBND thành phố.

Được biết, bất cập trong công tác quản lý, điều hành cảng hiện nay là ca từ 0 giờ đến 6 giờ không làm, dù cảng chia giờ làm thành 4 ca nhưng hầu hết chỉ làm ca ngày. Điều đó ảnh hưởng đến việc tổ chức giao thông đi lại ở nội đô.

Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng:

Cần có biện pháp đồng bộ

Các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên tuyến đường dẫn về cảng Tiên Sa là hệ lụy của sự phát triển không đồng bộ, trong đó có sự xung đột giao thông trong lĩnh vực vận tải logistics, vận tải du lịch và hoạt động đi lại của người dân.

Trong quá trình hình thành, phát triển, cảng Tiên Sa có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với Đà Nẵng mà còn cho cả khu vực miền Trung. Không những vậy, hoạt động xuất nhập, vận tải hàng hóa tại cảng cũng thể hiện mối quan tâm của Chính phủ, Nhà nước đối với khối doanh nghiệp FDI.

Việc tìm biện pháp giảm thiểu TNGT trên đường Ngô Quyền hiện nay cần được nhìn nhận, phân tích và đánh giá dưới nhiều góc độ. Tuyến đường gom hai bên đường Ngô Quyền cần được phát huy hiệu quả hơn trong việc phân làn, hỗ trợ tuyến đường chính.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ liệu việc tăng thời gian cấm đường đã thực sự hiệu quả hay chưa; bởi quy định này sẽ tạo ùn ứ cục bộ, không có sự điều tiết phù hợp, thậm chí không tạo được môi trường kinh doanh theo hướng khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI.

Về phía công ty, ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, thuê tư vấn nước ngoài để tìm giải pháp cho con đường vận chuyển hàng hóa về cảng được an toàn, đúng thời gian, tiến độ.

Trong trường hợp tài xế vi phạm giao thông với các lỗi chủ quan cũng nên có biện pháp xử lý nặng hơn, răn đe hơn; đồng thời cần có các biện pháp tuyên truyền hiệu quả hơn đối với người điều khiển phương tiện mô-tô, xe máy khi lưu thông trên các tuyến đường có phương tiện tải trọng lớn và mật độ cao.  

Anh Trần Khôi (tài xế xe container, trú quận Cẩm Lệ)

Cấm thời gian dài, xe đậu, đỗ ở đâu?

Khung giờ cấm quá dài, lưu lượng xe về ùn ứ càng đông, trong khi trên các tuyến đường thành phố đa phần đều cấm đậu, đỗ. Vậy cả hàng trăm xe cùng lúc về tới khung giờ cấm thì đậu ở đâu và chỗ nào đỗ cho hết?

Và liệu đỗ dưới lòng, lề đường có an toàn cho các phương tiện khác, khi người tham gia giao thông (xe máy) nếu húc vào xe container thì lại đổ lỗi cho lái xe đậu đỗ sai quy định, không có vật cảnh báo? Việc di chuyển và dừng đỗ chờ qua giờ cấm rồi về cảng trả, bốc hàng hóa cũng là vấn đề khiến sức khỏe của tài xế container bị ảnh hưởng lớn.

Anh Nguyễn Hoàng Nam (45 tuổi, ngụ Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tài xế xe container)

Không nên chạy gần xe container

Khi xảy ra va chạm giữa xe máy với xe container, cơ hội sống sót của người ngồi trên xe máy rất ít. Xe container có điểm mù rất lớn, khi xe máy di chuyển vào điểm mù của xe container, nếu tài xế container chuyển hướng thì nguy cơ tai nạn rất cao.

Vì vậy, người điều khiển xe máy không nên bám sát xe container, không đi song song. Thấy xe container lùi hay quay đầu, hãy kiên nhẫn chờ đợi, không chen lấn và không nên đi trước đầu xe container. Khi vượt xe container, người điều khiển xe máy cần sử dụng xi-nhan sớm để xin vượt và chỉ vượt khi tài xế xe container đồng ý, lúc đó phải vượt nhanh…

AN NHIÊN - ĐẠI BÌNH - THÀNH LÂN thực hiện

;
.
.
.
.
.
.