Qua “đường dây nóng” của Báo Đà Nẵng, bạn đọc tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm rác, nước thải nghiêm trọng đang diễn ra tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Trên bờ kè rác thải tồn đọng, dưới nước phát sinh mùi hôi do lượng bùn đáy lâu ngày chưa nạo vét. |
Anh N.Q.H (xin giấu tên), sống gần khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang bức xúc nói: “Rác thải nổi lềnh bềnh khắp nơi, nước biển bốc mùi tanh thối. Người dân địa phương đánh bắt cá trong khu vực này mang về không dám ăn mà chỉ cho vật nuôi. Mặc dù tôi thấy có công nhân vệ sinh làm việc nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không thay đổi. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp hiệu quả để xử lý ô nhiễm ở khu vực này”.
Báo cáo của Ban quản lý (BQL) Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết, năm 2017, tổng lượng rác thải tại khu vực âu thuyền, cảng cá là 1.656m3; 8 tháng đầu năm 2018 có hơn 1.000m3 rác thải…
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, suốt chiều dài 2,5km đường bờ kè bao quanh Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, nằm giữa hai phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông, tình trạng rác thải, túi ni-lông, mảnh thùng xốp nổi lềnh bềnh, tấp vào khu vực bờ kè. Bên cạnh đó, màu nước chuyển đen, có mùi bùn hôi thối.
Ông Ngô Văn Cát, Phó Trưởng BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang lý giải, sở dĩ tình trạng ô nhiễm do từ đầu tháng 11 đến nay thời tiết thay đổi, trời mưa nên rác thải tấp vào bờ kè rất nhiều. Trước tình hình này, đơn vị đã chỉ đạo đội môi trường tăng cường thu gom rác tại bờ kè phía đông.
Đơn cử, trong ngày 5-11, nhân viên môi trường thu gom hơn 4m3 rác thải. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy lượng rác thải dồn thành từng đống trên mặt bờ kè rất nhiều; dưới nước, rác thải tiếp tục tấp vào. Thời gian tới, BQL tiếp tục thu gom, xử lý lượng rác thải tồn đọng tại khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.
Cũng theo ông Ngô Văn Cát, mùi hôi trong khu vực là do lượng bùn đáy trong lòng âu thuyền lâu ngày chưa được nạo vét nên khi thời tiết thay đổi gây ra các xáo trộn ở lớp bùn đáy, bốc lên dẫn đến mùi hôi. Về công tác bảo đảm vệ sinh trong khu vực, BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang luôn duy trì theo quy trình đã ban hành.
Hằng ngày, nhân viên môi trường được phân công làm nhiệm vụ thu gom tất cả rác thải phát sinh; xịt nước dội rửa mặt bằng chợ, các cầu cảng, bãi xe, đường nội bộ và phun vi sinh khử mùi, pha loãng clorin dội rửa một số khu vực.
Toàn bộ nước thải trong khu vực, gồm cả nước thải phát sinh tại các cầu cảng, đường nội bộ được thu gom về Trạm xử lý nước thải của đơn vị, xử lý sơ bộ trước khi chuyển qua Trạm xử lý nước thải Sơn Trà.
“Mặc dù đơn vị thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh, lắp dựng bảng cấm đổ rác, vận động ký cam kết không xả rác thải đối với các chủ tàu thuyền, nhưng việc xử lý các hành vi xả rác thải rất khó thực hiện. BQL không có chức năng xử phạt mà phải phối hợp với các cơ quan khác (như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát môi trường) để xử lý.
Trong khi đó, phạm vi khu vực quá rộng, nhiều tổ chức và cá nhân cùng tham gia hoạt động, 70% tàu thuyền về hoạt động trong khu vực là tàu ngoại tỉnh; vì vậy, việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn và việc xả rác thường xảy ra vào ban đêm nên không thể thu thập chứng cứ để xử phạt”, ông Cát nói.
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ