Việc sửa chữa vỉa hè xuống cấp trước nhà sẽ không có gì đáng nói nếu người dân không tự ý phá vỡ quy hoạch chung về chủng loại vật liệu, quy cách, kích thước, màu sắc và chiều cao bề mặt vỉa hè so với lòng đường…
Nhiều đoạn vỉa hè trên đường An Cư 7 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) chỗ cao, chỗ thấp do người dân tự ý cải tạo, nâng độ cao của vỉa hè. |
Mới đây, chủ nhà 42-44 Hóa Mỹ (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) đã tự ý nâng cấp vỉa hè trước nhà để đón Tết. Điều đáng nói, đoạn vỉa hè này sử dụng loại gạch có kích thước lớn, hình vuông, diện tích khoảng 20x20cm, màu sắc không đồng nhất, lót cao hơn vỉa hè cũ khoảng 15cm, phá vỡ sự đồng bộ trên tuyến đường này.
Ông Lê Minh Bảo (nhà ở đường Hóa Mỹ) phàn nàn: “Mỗi khi đi ngang qua đoạn này, tôi thấy rất chướng mắt, không hiểu sao họ tự ý đập vỉa hè cũ, xây vỉa hè mới trước cổng nhà cao như vậy mà không thấy địa phương nhắc nhở”.
Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ phần gạch vỉa hè cũ đã được chủ nhà gỡ; thay vào đó là loại gạch có kết cấu khá chắc chắn, lối chính vào nhà được lát bằng đá tự nhiên khổ to, hình chữ nhật. Vỉa hè mới trông khá đẹp nhưng không đồng nhất với toàn bộ phần vỉa hè còn lại trên tuyến đường này. Cũng theo ông Bảo, đường Hóa Mỹ là tuyến đường mới, được cải tạo, nâng cấp cách đây không lâu; vỉa hè còn mới, kết cấu khá chắc chắn nên việc tự ý xây dựng vỉa hè trước nhà của hộ dân trên là không cần thiết.
Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến tại đường An Cư 7 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). Theo đó, vỉa hè bên dãy số nhà lẻ chỗ cao, chỗ thấp khiến người dân đi lại rất khó khăn. Phần vỉa hè này hầu hết do người dân tự ý làm lại, người làm sau luôn cố ý làm cao hơn người trước vài ba phân khiến cả đoạn vỉa hè trông rất lộn xộn, bập bênh.
Bên cạnh đó, một trong những hiện tượng khá phổ biến hiện nay là người dân tự ý làm ram dốc, lấn chiếm vỉa hè để xe dễ dàng vào ra. Chưa kể một số hộ khi sửa phần vỉa hè trước nhà đã chọn cách đổ bê-tông từ chân trụ cổng nhà ra tới mép đường mà không chọn gạch thay thế, khiến con đường xấu xí vì thiếu sự đồng bộ và thiếu thống nhất trong quy hoạch chung. Điều này không chỉ diễn ra ở những tuyến đường nhỏ, xuống cấp, mà còn xuất hiện tại một số điểm trên những tuyến đường lớn, giao thông huyết mạch của thành phố.
Chẳng hạn, đường 30 Tháng 4 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) là một trong những con đường đẹp của Đà Nẵng, được thành phố đầu tư chỉnh trang, thay lại bó vỉa và lát gạch, đặt lại toàn bộ hệ thống điện ngầm…
Thời gian qua, UBND phường Hòa Cường Bắc cũng thường xuyên cử lực lượng gỡ bỏ biển quảng cáo, rao vặt trái phép trên vỉa hè, tháo đập các bậc ram dốc lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trước số nhà 71 và 73 đường 30 Tháng 4 vẫn tồn tại bậc cấp và ram dốc lấn chiếm một phần vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị và nguy hiểm cho người đi bộ.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc cho hay, vừa qua, UBND phường đã kiểm tra thực tế, xác nhận nhà số 71, 73 đường 30 Tháng 4 xây dựng ram dốc dài khoảng 1m, lấn chiếm một phần diện tích vỉa hè.
UBND phường đã yêu cầu 2 hộ tháo dỡ phần ram dốc lấn chiếm, trả lại phần vỉa hè nguyên trạng. Cũng theo ông Hồng, 2 hộ này đã đồng ý tháo dỡ phần ram dốc lấn chiếm nhưng sẽ thực hiện sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và cam kết hoàn thành trước ngày 18-2.
Được biết, theo quy định của Sở Giao thông vận tải, người dân, doanh nghiệp muốn gia cố, chỉnh trang vỉa hè, làm lối lên xuống giữa lòng đường và vỉa hè cho ô-tô đều phải xin giấy phép thi công tại Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhiều người dân đã tự ý sửa chữa khi thấy vỉa hè phía trước nhà không “ăn rơ” với ngôi nhà của họ. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng khó phát hiện để xử phạt vì quá trình thi công diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng 1-2 ngày. |
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ