Hiểm họa từ các cẩu tháp trên phố

.

Báo Đà Nẵng nhận được nhiều phản ánh về việc hàng chục cao ốc đang thi công trên địa bàn thành phố sử dụng cẩu tháp để vận chuyển vật liệu, khiến các hộ xung quanh và người đi đường lo lắng, bất an.

Một cẩu tháp trên địa bàn quận Sơn Trà (ảnh chụp ngày 18-7).
Một cẩu tháp trên địa bàn quận Sơn Trà (ảnh chụp ngày 18-7).

Trong 2 tháng gần đây, có 2 trường hợp cẩu tháp trong quá trình hoạt động bị sự cố, làm hư hỏng 5 nhà dân và nền đường. Cụ thể, ngày 10-6, trong quá trình cẩu tháp tại công trình khách sạn Regis Bay (số 17 Quang Trung, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) hoạt động làm rơi 15 thanh giằng, chiều dài 1m, đường kính thân 42mm vào 5 hộ dân bên cạnh, làm rách mái tôn, hư mái che và ống nước của các hộ này. UBND phường Hải Châu 1 đã lập biên bản, yêu cầu tạm dừng hoạt động của cẩu tháp và che chắn để bảo đảm an toàn.

Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu cho biết, nhà thầu thi công công trình để xảy ra vi phạm nói trên là Công ty CP Đăng Hải (trụ sở tại quận Hải Châu). Đơn vị này sau đó đã bị UBND quận Hải Châu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng, đồng thời buộc khắc phục hậu quả.

Song, theo ghi nhận của phóng viên, trong giờ hành chính, cẩu tháp của công trình xây dựng khách sạn Regis Bay cao hàng chục mét vẫn hoạt động. Có thời điểm cẩu tháp vươn khỏi phạm vi giới hạn công trình, ra phía đường Quang Trung.

Ngày 27-6, chiếc móc của cẩu tháp đang thi công tại công trình xây dựng khách sạn Liberty Central Đà Nẵng (góc đường Võ Nguyên Giáp - Loseby, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) rơi từ độ cao hàng chục mét xuống làm mặt đường bị lõm sâu. Đoạn đường nơi móc cẩu rơi thường xuyên có du khách qua lại nhưng rất may không gây thiệt hại về người.

Ông Huỳnh Văn Bảy, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà cho hay, đối với trường hợp này, UBND quận đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền gần 50 triệu đồng.

Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố hiện có 20 công trình xây dựng sử dụng cẩu tháp, trong đó 19 công trình hoạt động bình thường (riêng cẩu tháp tại công trình Khu đô thị quốc tế Đa Phước đang dừng hoạt động). Địa bàn quận Sơn Trà nhiều nhất với 8 cẩu tháp, địa bàn quận Hải Châu có 5 cẩu tháp, quận Ngũ Hành Sơn 3 cẩu tháp...; đáng lưu ý, nhiều công trình trong khu dân cư, sát với tuyến giao thông có mật độ phương tiện qua lại đông đúc.

Ông Nguyễn Quang Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng - đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép lắp đặt, quản lý cẩu tháp cho rằng, rất khó đánh giá mức độ an toàn của toàn bộ cẩu tháp trên địa bàn bởi khi cấp phép cho lắp dựng thì tất cả đều đạt yêu cầu.

“Qua một số sự cố mới xảy ra gần đây ở Đà Nẵng và qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy các sự cố phần lớn do bất khả kháng. Chúng tôi đã làm việc với các đơn vị chức năng tìm hiểu nguyên nhân cụ thể nhưng vẫn đang chờ kết luận cuối cùng. Như sự cố rơi móc cẩu ở quận Sơn Trà, theo đánh giá sơ bộ ban đầu, có khả năng do quá trình vận hành của người lái cẩu tháp”, ông Thuận nói.

Cũng theo ông Thuận, theo quy định, cẩu tháp hoạt động quá phạm vi công trình chỉ được phép vận hành từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

“Quy định thời gian là vậy nhưng nhiều công trình vẫn vi phạm. Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư công trình, chứ về mặt quản lý Nhà nước cũng khó kiểm soát và nắm hết được thời gian vận hành cẩu tháp”, ông Thuận nói và cho biết đang hoàn chỉnh phương án để sắp tới tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra và quản lý hiệu quả các công trình có hoạt động cẩu tháp, đồng thời yêu cầu chấp hành tốt các quy định về an toàn lao động trong thi công.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.