Dù pháp luật không cho phép, ngành GD-ĐT có quy định cấm, nhưng tình trạng học sinh đi xe máy đến trường vẫn diễn ra tràn lan.
Theo ghi nhận của chúng tôi trong những ngày đầu năm học 2019-2020, nhiều học sinh vẫn sử dụng xe máy đến trường. Vào đầu buổi học hay giờ tan trường, rất dễ thấy cảnh học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn trên đường.
Chẳng hạn, tại khu vực Trường THPT Phan Châu Trinh, ở phía đường Hải Phòng, sáng nào cũng vậy, nhiều học sinh nam, nữ đi xe máy đến gửi ở bãi giữ xe trên vỉa hè rồi mới đi vào lớp học.
Bãi giữ xe máy của học sinh Trường THPT Trần Phú. |
Ở khu vực Trường THPT Trần Phú cũng có các bãi giữ xe. Hầu hết xe máy học sinh dùng đến trường là những loại xe tay ga, xe số trên 50 phân khối. Chỉ trong vòng 20 phút có hơn 30 lượt học sinh nam, nữ chạy xe máy vào những điểm giữ xe gần Trường THPT Trần Phú để gửi xe. Giờ tan trường, học sinh đi xe máy ra về chật kín.
Ở khu vực các trường: THPT Nguyễn Trãi, THPT Thanh Khê, THPT Thái Phiên, THPT Hoàng Hoa Thám, THPT Ngô Quyền, THPT Nguyễn Thượng Hiền... cũng có khá nhiều học sinh đi xe máy đến trường. Nhằm tránh bị thầy cô giáo phát hiện, hầu hết học sinh gửi xe máy ở nhà dân hoặc các bãi giữ xe chung quanh trường.
Chị Tr. (trú quận Sơn Trà) có con học ở Trường THPT Phan Châu Trinh lý giải, do nhà xa trường quá nên mỗi lần con gái đạp xe đi học mồ hôi nhễ nhại lại thấy thương nên thi thoảng cho con đi học bằng xe máy.
Theo lãnh đạo một trường THPT ở địa bàn quận Hải Châu, đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không được sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường yêu cầu phụ huynh, học sinh cam kết nếu học sinh vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành GD-ĐT. Còn đối với những bãi giữ xe bên ngoài trường, nhà trường không có chức năng kiểm tra, xử lý.
Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD-ĐT cho hay, từ đầu năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT đã có nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nghiêm cấm học sinh đi học bằng xe máy trên 50 phân khối. Ban giám hiệu các trường cũng đã yêu cầu phụ huynh, học sinh ký cam kết không vi phạm. Đối với những trường hợp học sinh cố tình vi phạm, Ban giám hiệu nhà trường căn cứ theo quy định của ngành GD-ĐT để xử lý kỷ luật. Ngoài ra, ông Vương cho rằng, để xử lý triệt để tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, ngoài việc nhà trường thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của học sinh, các bậc phụ huynh không nên để con em đi học bằng xe máy.
Theo ông Võ Tặng, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, nhằm bảo đảm ATGT cũng như tăng cường công tác xử lý tình trạng học sinh chưa đủ tuổi nhưng đi xe máy đến trường, giữa tháng 9 vừa qua, Ban ATGT thành phố có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, bảo đảm trật tự ATGT trên đường phố, khu vực trường học; trong đó chú trọng xử lý nghiêm những trường hợp học sinh đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng chiều 8-10, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã tham mưu Ban Giám đốc Công an thành phố ban hành kế hoạch thực hiện “Tháng an toàn giao thông”; đồng thời chỉ đạo Công an các quận, huyện vào cuộc xử lý trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng xử lý tình trạng học sinh chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe máy đến trường; kiểm tra, xử lý tình trạng ô-tô đưa đón học sinh không an toàn... Ngoài ra, Đại tá Phan Ngọc Truyền cho biết thêm, Phòng CSGT cũng đã chỉ đạo cán bộ đến các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS để tuyên truyền học sinh nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI