Hộ chăn nuôi thả rông trâu, bò: Xử phạt không đủ răn đe

.

Hai tháng gần đây, trên cổng góp ý thuộc hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 15 nội dung bức xúc của người dân về tình trạng bò thả rông trên một số tuyến đường, tập trung chủ yếu ở các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, việc xử lý không hiệu quả và thiếu tính răn đe.

Đàn bò thả rông trên đường Nguyễn Minh Chấn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu).
Đàn bò thả rông trên đường Nguyễn Minh Chấn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu).

Theo khoản 2 Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông chỉ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng.

Chưa kể, việc địa phương tổ chức bắt nhốt đàn trâu, bò thả rông, không người quản lý cũng bất cập bởi các phường, xã không có lực lượng canh giữ cũng như chăm sóc trâu, bò trong suốt thời gian chờ chủ đến giải quyết. Nhiều trường hợp chủ đàn bò không chịu đến nhận; bò chết sau một thời gian bị nhốt trong chuồng, phường phải bỏ tiền ra đền bù cho người dân theo giá thị trường.

Phụ thuộc vào ý thức của hộ chăn nuôi

Trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) có gần 20 hộ chăn nuôi bò; trong đó đa phần là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi gia đình có trung bình từ 3-5 con bò.

Những năm gần đây, dù UBND phường tích cực chỉ đạo lực lượng nắm bắt tình hình bò thả rông, tiến hành thu giữ và chuyển lên trại Hòa Ninh theo quy định, đồng thời tuyên truyền, cấm các hộ chăn nuôi tự ý thả rông gia súc trong khu dân cư, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Ông Nguyễn Minh Hùng (tổ 50 phường Hòa Khánh Nam) cho biết, trên các tuyến đường Hoàng Minh Thảo, Vũ Lập, Nguyễn Minh Chấn thuộc tổ 50 và 51 phường Hòa Khánh Nam thường xuyên xuất hiện đàn bò từ 20-30 con thả rông cả ngày lẫn đêm. Không có người trông coi, bò đi lại trên đường, phóng uế bừa bãi, nằm đè lên cây xanh cảnh quan, ăn lá cây ven đường, ảnh hưởng mỹ quan đường phố.

“Dù người dân thường xuyên phản ánh vấn đề này với chính quyền địa phương nhưng việc xử lý hiện nay chưa hiệu quả”, ông Hùng nói.

Giải quyết phản ánh của người dân về tình trạng bò thả rông, UBND phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) ban hành Quyết định số 174/QĐ-UBND thành lập tổ quản lý gia súc và Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc xử lý các hộ nuôi gia súc thả rông trên địa bàn phường. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây cho biết, theo quy định, sau khi nhận phản ánh của người dân, UBND phường cử lực lượng đến hiện trường, đưa số bò về điểm tạm giữ, sau đó thông báo chủ sở hữu đến giải quyết.

Nếu quá hạn 5 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra mà chủ đàn bò không đến nhận, phường sẽ chuyển bò lên khu vực xã Hòa Phú hoặc Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), thuê người trông coi và tiếp tục xử lý theo quy định.

Trong trường hợp này, nếu chủ vật nuôi đến làm việc, ngoài số tiền phạt theo quy định của pháp luật, họ phải chi trả thêm công vận chuyển, công chăm sóc đàn bò trong thời gian tạm giữ. Kiên quyết là vậy, nhưng ông Vinh cũng thừa nhận việc ngăn chặn triệt để tình trạng bò thả rông hiện nay rất khó, bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của hộ chăn nuôi.

Viết cam kết… 5 lần

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, do hình thức xử phạt hành chính theo quy định còn nhẹ nên tình trạng các hộ chăn nuôi viết cam kết lần 2, lần 3, thậm chí lần 4, lần 5 về việc không thả rông bò trên địa bàn phường không phải là chuyện hiếm.

Gần một tháng trước, sau khi nắm thông tin có một đàn bò thường xuyên đi lại trên các tuyến đường thuộc tổ 29, lực lượng chức năng của phường Hòa Thọ Tây đã đến cơ sở tìm hiểu và mời hộ ông Ngô A. - chủ đàn bò lên phường làm việc, ký cam kết (lần 2), đồng thời yêu cầu hộ ông A. không thả rông bò.

Ông Vinh cho biết, trong thời gian đến, nếu hộ ông A. không thực hiện cam kết, UBND phường sẽ có biện pháp xử lý tiếp theo.

Hơn nữa, trong cơn lốc đô thị hóa, nhiều hộ nông dân không có điều kiện chuyển đổi ngành nghề nên cố gắng thoát nghèo bằng cách theo đuổi việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số tổ chức, cá nhân chọn cách trao bò giống cho hộ nghèo nhằm giúp họ nhanh chóng tạo đàn, ổn định kinh tế gia đình.

Với những trường hợp này, địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xử lý do tâm lý không muốn “triệt đường” làm ăn của bà con.

Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) cho biết, trên địa bàn còn rất nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như hộ ông Lê Thuận (thôn Cẩm Nam) với 10-15 con.

Ngoài ra, không ít hộ nghèo gầy đàn từ một số con bò giống do các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trao tặng. Với những hộ nghèo nhận bò giống, địa phương yêu cầu phải viết cam kết chăn thả hợp lý, không được thả rông gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh.

Trước thực trạng trâu, bò thả rông hiện nay, lãnh đạo một số địa phương mong muốn các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp cân nhắc khi trao quà là bò giống, heo, gà giống. Thành phố cũng cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn trong việc giám sát, kiểm soát và xử lý tình trạng bò thả rông, nhằm mang lại bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.