Xử lý hàng rong chèo kéo khách

.

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng, song, tình trạng hàng quán trên địa bàn Đà Nẵng thường xuyên bị người bán hàng rong... làm phiền vẫn tái diễn.

Bài 1: Hàng rong có mặt trên nhiều tuyến đường

Ghi nhận tại một số hàng quán trên địa bàn cho thấy, trong một buổi tối, một thực khách có thể “tiếp” 5-10 người bán vé số, móc khóa, bánh kẹo, các loại hoa quả sơ chế sẵn… mời chào, chèo kéo mua sản phẩm. Và, việc xử lý tình trạng này không dễ bởi phải bảo đảm hài hòa giữa tình và lý cũng như công tác an sinh xã hội.

Những người bán hàng rong gây khó khăn cho công tác xử lý.
Những người bán hàng rong gây khó khăn cho công tác xử lý.

Hàng quán “bó tay” với hàng rong

Quận Sơn Trà có khá nhiều tuyến đường kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, giải trí, đặc biệt là đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Hà Bổng, Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo… Chị N.H.M, quản lý một quán nhậu bình dân trên đường Hồ Nghinh cho biết, mỗi ngày quán chị “đón” gần 10 người bán hàng rong thay phiên nhau ghé quán. Có thời điểm trong quán có 2-3 người bán kẹo cao su, hoa quả tươi hoặc vé số.

“Khi mới mở quán, chúng tôi kiên quyết từ chối người bán hàng rong muốn vào quán bán hàng. Nhưng sau này, vào giờ cao điểm, quán đông khách, mọi nhân viên và quản lý trong quán đều bận, không để ý thì họ lén vào. Thiệt tình đuổi mãi cũng ngại nên chúng tôi cứ để thế, chỉ khi nào có khách than phiền, chúng tôi mới yêu cầu họ ra ngoài”, chị M. nói.

Tại quán nhậu Bia Tô trên đường Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê), chúng tôi gặp lại N.V.Q (quê huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đang hành nghề ảo thuật dạo. Sau những màn ảo thuật, Q. mang giỏ kẹo ngọt đến từng bàn mời.

Nhiều người xua tay từ chối nhưng người thanh niên này vẫn nài nỉ. Theo quan sát của chúng tôi, trong khoảng 30 phút, Q. bán được chừng 10 thanh kẹo với giá 15.000 đồng/thanh (nếu mua ở cửa hàng tạp hóa có giá khoảng 3.000 đồng).

Không chỉ xuất hiện khá nhiều tại các hàng quán, những người bán hàng rong còn xuất hiện trên nhiều tuyến đường đông khách du lịch. Đơn cử, tại một nhà hàng ở góc đường Nguyễn Tất Thành - Ông Ích Khiêm, có một “đội quân” bán hàng lưu niệm, chủ yếu là dây đeo tay, vòng, kiềng, mô hình xe xích-lô và đàn guitar… Mỗi khi có xe du lịch nào chở khách tới nhà hàng, họ thường vây quanh.

Trong khi đó, tại quận Sơn Trà, dù Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận thường xuyên có mặt để xử lý tình trạng bán hàng rong trên các tuyến đường Hà Bổng, Võ Nguyên Giáp…, nhưng vào bất kỳ giờ nào trong ngày, cũng dễ dàng thấy những người bán hàng rong trên phố. Tuyến đường Nguyễn Văn Thoại (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), nơi tập trung nhiều khách sạn, dịch vụ ăn uống, mỗi ngày có khá nhiều người đẩy xe bán dừa xiêm hoặc trái cây dạo.

Người khiếm thị, khuyết tật bán hàng

Trên đường Pasteur (quận Hải Châu), vào khoảng 9 giờ sáng mỗi ngày chúng tôi thường xuyên gặp bà Ngô Thị Phương H., một người khiếm thị thuộc Hội Người mù thị xã Điện Bàn (thuộc một tổ chức Hội Người mù trên địa bàn tỉnh Quảng Nam) đang bán hàng dạo.

Cùng đi với bà H. là ông Trần B., cũng là người khiếm thị. Theo lời bà H., mỗi sáng sớm, có khoảng 40 người mù, người khiếm thị thuộc Hội Người mù thị xã Điện Bàn đón xe buýt ra Đà Nẵng buôn bán, đến chiều đón chuyến xe buýt cuối cùng trở về trụ sở Hội. Nhiều khách dù không mua hàng nhưng thương cảm hoàn cảnh của họ nên chủ động cho ít tiền.

“Mỗi ngày, chúng tôi được tạo điều kiện lấy hàng từ Hội, sau đó đi xe ra Đà Nẵng bán hàng, bán cái nào thì mình được hưởng tiền lời cái đó, đi bán cực, lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng không bán thì biết lấy tiền đâu mà trang trải”, bà H. nói.

Một đại diện Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu chia sẻ, việc xử lý đối tượng này rất khó, chủ yếu nhắc nhở vì phần lớn họ là người khuyết tật. “Với những trường hợp này, chúng tôi thường xuyên phải rút kinh nghiệm trong quá trình xử lý, làm sao vừa kiên quyết, vừa khéo léo để bảo đảm cuộc sống kinh tế của chính gia đình họ. Thật sự rất khó xử lý dứt điểm”, người này cho hay.

Được biết, hiện nay, công tác giám sát, xử lý người bán hàng rong, người lang thang, lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng trên địa bàn thành phố được giao cho Sở Du lịch, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Công an thành phố và UBND các quận, huyện.

Các đơn vị này và các địa phương đã ký kết quy chế phối hợp trích xuất hình ảnh qua hệ thống camera và xử lý vi phạm trật tự đô thị khi có hành vi lấn chiếm vỉa hè bán hàng rong, chèo kéo khách… Bên cạnh đó, các địa phương đã tiến hành rà soát thống kê danh sách số cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc diện ký cam kết, đồng thời đã vận động các cơ sở - chủ yếu là các quán nhậu, quán ăn - ký cam kết và dán áp-phích “Nghiêm cấm hành vi xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong, đeo bám chèo kéo khách” tại cơ sở mình.

Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác xử lý người bán hàng rong, lang thang, xin ăn biến tướng trên địa bàn đang gặp khó do nguồn nhân lực khá mỏng. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo báo cáo mới nhất của Sở LĐ-TB&XH về kết quả phối hợp xử lý tình trạng người lang thang, lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng trên địa bàn thành phố năm 2019, việc xử lý các đối tượng này đang gặp khó do phần lớn là trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi.

Một số địa phương hiện nay xuất hiện thêm tình trạng người nước ngoài, Việt kiều bị trục xuất về nước đi lang thang, không người thân, không nơi cư trú, ngủ tại các khu vực công cộng. Công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng ở một số địa phương chưa thường xuyên, có tình trạng cho thuê nhà tập trung từ 5-10 người ở các địa phương khác về để bán hàng rong, chèo kéo khách kết hợp xin ăn, xin ăn biến tướng. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa hoặc có cam kết với chính quyền địa phương nhưng chưa tích cực hợp tác trong việc phối hợp ngăn chặn xử lý đối tượng bán hàng rong chèo kéo khách, xin ăn.

509

là số cuộc gọi đến 02363.550550 mà Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Tổ 550) tiếp nhận từ đầu năm đến nay; qua đó vận động 156 đối tượng trở về quê hoặc có gia đình bảo lãnh; đưa 200 lượt đối tượng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần nuôi dưỡng tạm thời (trong đó có 28 lượt đối tượng có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại Đà Nẵng và 118 lượt đối tượng có hộ khẩu tại các địa phương khác, 54 trường hợp không xác định được địa chỉ cụ thể, đặc biệt là đối tượng người tâm thần).                     

(Nguồn: Sở LĐ-TB&XH)

Xử phạt: Không khả thi!

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH, dẫn báo cáo mới nhất của sở này cho hay, một số địa phương khi phát hiện các đối tượng vi phạm, nhất là đối tượng bán hàng rong, dùng loa phóng thanh, đeo bám chèo kéo khách thì thường nhắc nhở, chưa kiên quyết xử phạt; các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, việc xử phạt không khả thi do hoàn cảnh đối tượng khó khăn không có khả năng nộp phạt, nên chưa có tác dụng răn đe đối tượng khác. Ngoài ra, phần lớn đối tượng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng là người từ địa phương khác đến, bị thu gom nhiều lần vào cơ sở bảo trợ xã hội giáo dục, vận động về lại địa phương, sau một thời gian thì tiếp tục tái phạm, hoạt động ngày càng tinh vi hơn và thường xuyên thay đổi địa bàn.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.