Bất an sống cạnh đường tàu không rào chắn

.

Hàng trăm hộ dân ở hai phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) lâu nay nơm nớp lo lắng khi phải sống ngay cạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam không có rào chắn ngăn cách hai bên. Nguy cơ xảy ra tai nạn tình rập hằng ngày, nhất là đối với trẻ em. Trong khi đó, chính quyền địa phương cho biết không thể làm rào chắn bảo vệ được vì vi phạm pháp luật.

Một đoạn đường sắt không có rào chắn an toàn ở địa bàn phường Hòa Khánh Nam. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Một đoạn đường sắt không có rào chắn an toàn ở địa bàn phường Hòa Khánh Nam. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn phường Hòa Minh hầu hết đã có hệ thống rào chắn cách ly giữa đường ray và nhà dân. Tuy nhiên, từ đoạn đường Nam Trân ngược về hướng đèo Hải Vân hiện vẫn còn một đoạn dài khoảng hơn 100m chưa có rào chắn. Vì thế, người dân, nhất là trẻ em, dễ dàng bước ngang qua đường tàu. Ông Phạm Ngọc Lãnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh thừa nhận, việc chưa có hàng rào chắn đoạn đường sắt khu vực này là tương đối nguy hiểm, đe dọa đến sự an toàn của người dân trong khu vực. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng thành phố làm rào chắn ở khu vực này, nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Ở địa bàn phường Hòa Khánh Nam, đoạn đường sắt dài cả cây số kéo dài từ đường Nguyễn Khuyến về phía Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu cũng không có rào chắn. Trong khi đó, nhà dân ở sát bên đường tàu với khoảng cách hơn 3m rất nguy hiểm. Ông Huỳnh Thương (trú tổ 22 khối phố Chơn Tâm 2, phường Hòa Khánh Nam) phản ánh, không hiểu vì lý do gì mà suốt mấy chục năm qua ở khu vực này không được làm rào chắn ngăn cách giữa đường tàu và nhà dân.

Người dân ở đây, nhất là trẻ em, chỉ cần vài bước chân là có thể bước lên đường ray, nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể nhiều thanh niên thiếu ý thức tụm năm, tụm bảy ngồi trên đường ray chơi, nên nguy cơ tai nạn rất cao. “Năm 2019, có một thanh niên đi bộ băng qua đường ray, bất ngờ bị tàu hỏa tông bị thương. Bởi thế, người dân ở đây luôn nơm nớp lo sợ. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm làm rào chắn dọc theo đường ray để bảo đảm an toàn”, ông Thương nói thêm.

Theo ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, những hộ dân ở dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam sinh sống ở đây khá lâu và nhà cửa, đất đai đã được cấp sổ đỏ. Biết sống cạnh đường tàu không có rào chắn an toàn cách ly nhà dân và đường ray rất nguy hiểm, nhưng cái khó là theo quy định của Luật Đường sắt, từ tim đường tàu trở ra 7m, phía hai bên không được phép xây dựng. Vì vậy, chính quyền địa phương muốn làm hành lang an toàn nhằm bảo vệ người dân cũng không thể thực hiện được.

Cũng theo ông Bùi Trung Khánh, để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND phường Hòa Khánh Nam thường xuyên tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, phòng chống tai nạn có thể xảy ra, đặc biệt người dân tuyệt đối không được lên đường tàu chơi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, nguồn kinh phí để xây dựng rào chắn là khá lớn. Vì thế, trước mắt UBND quận Liên Chiểu sẽ cử lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, UBND quận Liên Chiểu sẽ báo cáo, đề xuất UBND thành phố có biện pháp triển khai xây dựng hệ thống rào chắn dọc theo tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn quận Liên Chiểu nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

 NGỌC ĐOAN

;
;
.
.
.
.
.