Hai mươi năm lặng lẽ giúp đời

.

Tính đến nay, tròn 20 năm người cựu chiến binh, thương binh, nhà báo Nguyễn Tiến Dân (70 tuổi, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) gắn bó với con đường thiện nguyện. Trong suốt 20 năm qua, bước chân ông Dân đã in dấu khắp mọi miền núi xa xôi của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên để tiếp sức, giúp đỡ cho hàng nghìn học sinh, sinh viên, người nghèo, những mảnh đời kém may mắn vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Chừng nào còn sức khỏe, ông Dân còn tìm đến với những mảnh đời khó khăn. TRONG ẢNH: Ông Nguyễn Tiến Dân cùng các em học sinh trong một chuyến thiện nguyện đến huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chừng nào còn sức khỏe, ông Dân còn tìm đến với những mảnh đời khó khăn. TRONG ẢNH: Ông Nguyễn Tiến Dân cùng các em học sinh trong một chuyến thiện nguyện đến huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ di ngôn của đồng đội

Ông Dân sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi). Năm 15 tuổi, chứng kiến quê nhà bị kẻ thù tàn phá, ông gia nhập quân giải phóng, hoạt động tại chiến trường Khu 5. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, bom đạn kẻ thù khiến ông bị thương. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông Dân trở về cuộc sống đời thường mang theo vết thương do bom đạn, là thương binh 3/4. Tháng 9-1975, ông ra miền Bắc học văn hóa, rồi theo học ngành báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền). Năm 1983, ông trở về Đà Nẵng, nhận công tác ở nhiều đơn vị: Trung tâm thường trú Đài Truyền hình Việt Nam; đại diện Báo Đường sắt, Báo Cựu chiến binh Việt Nam tại miền Trung và nay là phóng viên thường trú Tạp chí Văn hóa và Doanh nhân Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên.

Bao năm qua, dù bộn bề với nghề báo nhưng ông Dân luôn canh cánh trong lòng di ngôn của người đồng đội quá cố chung chiến hào năm xưa. Ngày ấy, những đồng đội cùng chiến đấu với ông ai cũng mù chữ. May mắn, ông Dân học được cái chữ nên biết viết, biết đọc chút ít. Vì thế, mỗi khi có thư của người thân gửi đến, ông Dân luôn là người đọc giùm và viết giùm thư hồi âm cho đồng đội.

“Tôi còn nhớ rất rõ, ngày đó có một đồng đội bị thương nặng, trước lúc đi xa, anh đã nhắn nhủ với những người ở lại rằng, sau này đất nước hòa bình, những ai còn sống, nếu có điều kiện hãy giúp đỡ những học sinh nghèo, đừng để ai bị thất học, mù chữ”, ông Dân kể lại.

Dù luôn đau đáu di ngôn của đồng đội, nhưng mãi đến năm 2000, ông Dân mới đủ điều kiện và bén “duyên” với công việc thiện nguyện. Để có kinh phí cho những phần quà đầu tiên, ông Dân lặn lội đến những nhà hàng trên địa bàn thành phố trình bày nguyện vọng, xin vỏ lon bia, nước ngọt đem bán để mua sách vở cho học sinh nghèo. Rồi những lần nhận tiền lương, trợ cấp thương binh, nhuận bút từ những bài báo, tiền trợ cấp ngày lễ, Tết cho cựu chiến binh, thậm chí là tiền thưởng các dịp nhận Huy hiệu Đảng, ông Dân gom góp, dành dụm mua sách vở, bánh kẹo, quần áo tặng những học sinh nghèo ở các huyện miền núi xa xôi. Dần dần, bằng uy tín, trách nhiệm của mình, ông Dân tạo được niềm tin, được đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè khắp nơi tin tưởng, tiếp sức cho những chuyến đi.

Giờ đây, ở tuổi 70, những đêm trái gió trở trời, vết thương năm xưa đôi lúc khiến ông đau nhói. Nhưng điều đó không ngăn được bước chân của người lính Cụ Hồ trên con đường thiện nguyện, tìm đến những mảnh đời nghèo khó.

Tiếp sức cho những mảnh đời bất hạnh

Cứ thế, trong suốt hai mươi năm qua, ông Dân đã tiếp sức cho hàng nghìn học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập. Em Phạm Thị Thu Thảo (cựu học sinh Trường THPT Thái Phiên) là một trong số đó. Thảo mồ côi mẹ, bố đi thêm bước nữa. Em sống với bà ngoại có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Từ năm học lớp 10, ngoài giờ học, Thảo phải đi làm thêm để có tiền trang trải chi phí học tập, ăn uống, sinh hoạt của hai bà cháu. Biết được thông tin, ông Dân đến nhà tìm hiểu gia cảnh rồi nhận cưu mang, hỗ trợ chi phí ăn uống, học tập hằng tháng. “Cứ mỗi tháng, sau khi nhận tiền trợ cấp thương binh được 900.000 đồng, tôi chuyển cho nhà trường để hỗ trợ cháu Thảo. Tháng nào vận động được thêm thì tôi hỗ trợ nhiều hơn”, ông Dân nói.

Cứ thế, từ những năm đầu học phổ thông cho đến khi Thảo tốt nghiệp cao đẳng, đều đặn tháng nào em cũng được nhận tiền hỗ trợ từ ông Dân. Ấy vậy mà, có một điều ngạc nhiên là trong suốt ngần ấy năm, Thảo chưa một lần được dịp gặp mặt ân nhân của mình bởi ông Dân chỉ muốn sự hỗ trợ của mình diễn ra trong thầm lặng. Không chỉ trợ cấp kinh phí học tập cho học sinh nghèo, ông Dân còn vận động bạn bè, mạnh thường quân tặng hàng trăm chiếc xe đạp cho học sinh, giúp các em có phương tiện đến trường.

Bên cạnh đó, mỗi năm, ông Dân còn vận động, tổ chức trên dưới 10 chuyến thiện nguyện, trao tặng hàng trăm phần quà gồm: sách vở, bút mực, đồng phục cho học sinh các huyện miền núi nghèo. Mỗi chuyến đi, ông không quên mang theo chăn mền, áo ấm, nhu yếu phẩm cho người dân. Những làng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi xa xôi từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị cho đến Kon Tum, Đắc Lắc, đâu đâu cũng in dấu bước chân của nhà báo, người thương binh, cựu chiến binh già.

Có một điều đặc biệt, khi đến trao quà hỗ trợ học sinh nghèo, nhất là các em ở độ tuổi trung học trở lên, ông đều ra “điều kiện” với nhà trường là phải tặng quà một cách kín đáo, không được tặng trước toàn trường. Bởi lẽ, ông hiểu “của cho không bằng cách cho”, nên cho thế nào để người nhận cảm thấy thoải mái, không mặc cảm. Không những thế, sau mỗi chuyến đi, ông Dân đều cung cấp địa chỉ của những mạnh thường quân đóng góp cho nơi đến trao quà. Sau đó, đích thân nơi nhận quà viết thư cảm ơn gửi những mạnh thường quân ấy. Ông bảo, đây là cách tốt nhất để mạnh thường quân biết số tiền, vật phẩm đóng góp của họ đã được đưa đến đâu, sử dụng như thế nào. Đó cũng là cách để người nhận quà cảm ơn đúng những người hỗ trợ, tiếp sức cho chuyến đi. Còn với bản thân mình, ông Dân chỉ nhận là “người vận chuyển”…

Không chỉ gắn bó với công tác thiện nguyện, ông Dân còn là đại diện Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Tổ chức Marin - thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, trực thuộc Bộ Tư pháp) nhằm giúp đỡ, kết nối, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Hơn chục năm qua, ông đã lặn lội trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên nắng gió, lần tìm khắp các nghĩa trang lớn nhỏ để xác minh thông tin, tìm kiếm, giúp đưa hài cốt liệt sĩ về với gia đình.

Trong đợt Covid-19 vừa qua, ông Dân là một trong những người xông xáo trong các hoạt động hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch. Ông dùng tiền trợ cấp thương binh của hai tháng 3 và 4 để mua 350 khẩu trang tặng tiểu thương ở chợ Kỳ Đồng (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), vận động bạn bè, người quen hỗ trợ kinh phí mua và phát 2.000 khẩu trang cho người nghèo, sinh viên trên địa bàn các phường Tam Thuận, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê). Bên cạnh đó, ông còn kêu gọi được hơn 4 tấn gạo tặng người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dịp Tết Nguyên đán 2020, ông Dân dùng hết số tiền hỗ trợ của Trung ương, thành phố cho cựu chiến binh để ủng hộ Mặt trận phường Thanh Khê Đông mua quà tặng người nghèo ăn Tết.

“Việc tôi làm chỉ như hạt cát giữa sa mạc. Vì thế, tôi không mong gì hơn là việc mình làm tạo được động lực, sức lan tỏa, thôi thúc ngày càng có nhiều tấm lòng nhân ái, thiện nguyện tiếp tục cùng tôi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Tôi luôn tâm nguyện, ngày nào còn sống, còn sức khỏe, ngày đó tôi còn đi, còn tìm đến với những hoàn cảnh khó khăn. Thiện nguyện giống như cái “nghiệp” đã vận vào tôi, không làm không được”, ông Dân cười, nói.

Chia tay chúng tôi, ông Dân lại tất bật gói ghém những phần quà gồm sách vở, bánh kẹo, truyện tranh chuẩn bị cho chuyến đi miền núi huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) sắp tới…

“Có một điều đặc biệt, khi đến trao quà hỗ trợ học sinh nghèo, nhất là các em ở độ tuổi trung học trở lên, ông đều ra điều kiện với nhà trường là phải tặng quà một cách kín đáo, không được tặng trước toàn trường. Bởi lẽ, ông hiểu “của cho không bằng cách cho”, nên cho thế nào để người nhận cảm thấy thoải mái, không mặc cảm.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.