Kinh doanh phế liệu ở khu dân cư: Ẩn họa rình rập!

.

Tình trạng người dân tận dụng nhà ở và các lô đất trống để tập kết, kinh doanh các loại phế liệu có nguy cơ cháy nổ rất cao. Không chỉ vậy, tình trạng này còn tạo cảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.

Một góc cơ sở kinh doanh phế liệu trên tuyến đường Trần Đình Nam - Lê Đình Kỵ (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Ảnh: NGỌC ĐOAN
Một góc cơ sở kinh doanh phế liệu trên tuyến đường Trần Đình Nam - Lê Đình Kỵ (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Ảnh: NGỌC ĐOAN

Dễ xảy ra cháy, nổ

Tình trạng người dân tập kết, kinh doanh phế liệu diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Theo ghi nhận, ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), có hàng chục điểm thu mua phế liệu lớn, nhỏ hoạt động ở các tuyến đường trong khu dân cư. Điểm chung ở những vựa phế liệu này là giấy, bao ni-lon, đồ nhôm, sắt... chất ngổn ngang thành từng đống, chật kín cả lối đi. Chẳng hạn, ngay góc ngã ba tuyến đường Lê Đình Kỵ - Trần Đình Nam, có một điểm tập kết phế liệu rộng hàng trăm mét vuông, các loại bao ni-lon, giấy... chất cao.

Nhìn cảnh tượng trên, một người dân (xin giấu tên), trú trên tuyến đường Trần Đình Nam (phường Hòa An) lo ngại: “Hàng hóa dễ cháy chất đầy như thế này, nếu chẳng may xảy ra cháy nổ thì làm sao dập lửa cho kịp. Người dân rất mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp di dời các điểm thu mua phế liệu, nhất là những điểm thu mua vật liệu dễ cháy ra khỏi khu dân cư”.

Ở góc ngã ba tuyến đường Nguyễn Sĩ Cố - Trần Hưng Đạo (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) lâu nay cũng có một cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động. Hằng ngày, các loại phế liệu như vỏ lon bia, bao bì, giấy... được chủ cơ sở tập kết về đây chất thành từng đống, tràn cả vỉa hè. Theo ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, khu vực này nằm trong dự án di dời, giải tỏa. Tuy vậy, UBND phường sẽ mời chủ hộ kinh doanh đến làm việc để yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác phòng, chống cháy nổ trong giai đoạn nắng nóng hiện nay.

Khó xử lý vì có đăng ký kinh doanh

Ở địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) hiện có hàng chục địa điểm kinh doanh phế liệu hoạt động trong các khu dân cư. Theo ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, hầu hết các điểm thu mua phế liệu hoạt động trên địa bàn phường đều có đăng ký kinh doanh. Để phòng, chống cháy nổ, hạn chế tình trạng tập kết hàng hóa gây ô nhiễm môi trường hay chiếm dụng vỉa hè, lòng đường kinh doanh, UBND phường yêu cầu các hộ kinh doanh cam kết không vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của phường thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm.

Địa bàn quận Thanh Khê cũng có nhiều điểm thu mua phế liệu hoạt động, dễ xảy ra cháy nổ cũng như gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Thanh Khê, để xử lý tình trạng kinh doanh phế liệu không bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, Phòng Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Đối với những cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động phải bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị cũng như an toàn trong phòng chống cháy nổ. Còn với những cơ sở kinh doanh tự phát, chưa được cơ quan chức năng cho phép, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, một cán bộ công tác ở Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an thành phố Đà Nẵng nói rằng, những cơ sở kinh doanh phế liệu, nhất là bao bì, thùng xốp, giấy bìa… luôn có nguy cơ cháy nổ rất cao. Mỗi lần xảy ra cháy, tốc độ cháy lan rất nhanh. Vì thế, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh luôn cảnh giác, có biện pháp phòng cháy chữa cháy kịp thời khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

NGỌC ĐOAN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích