Nhầm lẫn khi đo đạc đất, người dân thiệt thòi

.

Hộ ông Nguyễn Hữu Luôn và bà Phan Thị Đệ (trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) trước đây vì hoàn cảnh gia đình nên nhờ người đứng ra kê khai đất đai theo Chỉ thị số 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 1980 về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước (Chỉ thị 299). Tuy nhiên, quá trình kê khai thiếu sót, việc đo đạc và xác định loại đất cũng nhầm lẫn khiến việc giải quyết các vấn đề liên quan toàn bộ diện tích đất hơn 1.500m2 của ông Luôn, bà Đệ gặp nhiều rắc rối.

Bà Phan Thị Đệ bên ngôi nhà nằm trong thửa đất đang bị thu hồi, giải tỏa phục vụ dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Bà Phan Thị Đệ bên ngôi nhà nằm trong thửa đất đang bị thu hồi, giải tỏa phục vụ dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trong đơn gửi Báo Đà Nẵng, vợ chồng ông Luôn, bà Đệ trình bày: Năm 1984, xã Hòa Hiệp tổ chức xây dựng Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp 2 Hòa Hiệp, gia đình tự nguyện làm đơn hiến cho HTX 5.000m2 đất màu. HTX cấp lại cho gia đình 2.500m2 đất màu, trong đó có nhà ở. Năm 1985, HTX tổ chức đoàn đo đạc khai báo để làm thủ tục kê khai đất theo Chỉ thị 299. Lúc đó, bà Đệ đang sinh nở ở bệnh xá, ông Luôn bị câm điếc nên không thể kê khai. Gia đình nhờ ông Nguyễn Sỏi làm Đội phó sản xuất kê khai giúp nhưng không ghi tên vợ chồng ông Luôn, bà Đệ.

Bà Đệ cho biết: “Qua kiểm tra của phường Hòa Hiệp Bắc, thửa đất này nằm ở tờ bản đồ số 8, số thửa 21a, diện tích 1.550m2. Còn kê khai lại theo Nghị định 64/CP của Chính phủ thì thửa đất này nằm ở thửa 46, tờ số 16. Đến nay, ông Sỏi làm giấy xác nhận và giao lại cho gia đình chúng tôi để làm thủ tục. Tuy nhiên, khi thu hồi toàn bộ diện tích đất này phục vụ dự án Khu đô thị (KĐT) sinh thái Quan Nam - Thủy Tú, chúng tôi chỉ được xét bố trí 1 lô đất tái định cư (TĐC), như vậy là quá thiệt thòi”.

Báo cáo số 378/BC-UBND của UBND phường Hòa Hiệp Bắc ngày 13-5-2020 về “Kết quả họp lấy ý kiến nhân dân về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của hộ dân trong dự án KĐT sinh thái Quan Nam - Thủy Tú” xác định: Đất của hộ bà Phan Thị Đệ khai hoang, sử dụng từ trước năm 1977. Năm 1980, thực hiện Chỉ thị 299, HTX nông nghiệp 2 triển khai kê khai, đăng ký chỉ thị đối với từng hộ đang sử dụng đất. Tuy nhiên, cán bộ đo đạc đã đo nhiều hộ vào cùng thửa đất số 21a, diện tích 7.110m2, tờ bản đồ số 08.

Năm 1993, Nghị định số 64/CP về việc giao quyền sử dụng (QSD) đất và cấp giấy chứng nhận QSD đất cho nhân dân (Nghị định 64) được triển khai. Do khu vực này thuộc vùng sâu, vùng xa, việc đi lại khó khăn nên công tác đo đạc theo Nghị định 64 đã quy chủ nhầm thửa đất của hộ bà Phan Thị Đệ sang tên hộ ông Nguyễn Sỏi. Ban giải tỏa đền bù số 3 (cũ) đã làm biên bản thống nhất giữa hai hộ bà Đệ và ông Sỏi không có tranh chấp gì để có cơ sở giải quyết đền bù. “Việc sử dụng đất của hộ bà Phan Thị Đệ liên tục từ trước năm 1977 để làm nhà ở. Thửa đất của hộ theo sơ đồ Chỉ thị 299 là loại đất ở, còn theo Nghị định 64 có đăng ký loại đất LNK (cây lâu năm khác) là có sự nhầm lẫn trong quá trình đo đạc cũng như xác định loại đất của tổ công tác lúc bấy giờ”, báo cáo nêu.

Tại mục lục danh sách các hộ thuộc diện giải tỏa để thực hiện dự án KĐT sinh thái Quan Nam - Thủy Tú kèm theo biên bản họp xét tính pháp lý về nhà đất ngày 3-9-2020 của Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu cũng trích dẫn căn cứ Báo cáo số 378 và phiếu lấy ý kiến khu dân cư ngày 14-7-2020 của UBND phường Hòa Hiệp Bắc về nguồn gốc nhà, đất của bà Phan Thị Đệ. Theo đó, hộ bà Đệ khai hoang, sử dụng đất từ trước năm 1977, kê khai hồ sơ 299 thuộc thửa đất số 21a, tờ 08, diện tích 7.110m2 (trong đó có 2.000m2 đất ở, 5.110m2 đất màu) do nhiều hộ kê khai nhưng thiếu tên bà Phan Thị Đệ. Vị trí này trùng khớp với vị trí hồ sơ kê khai Nghị định 64 thuộc thửa đất 46 tờ số 16, diện tích 1.550m2, đất do ông Nguyễn Sỏi kê khai (đất của bà Đệ nhưng kê khai ghi nhầm cho ông Nguyễn Sỏi).

Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu sau khi điều chỉnh đã thống nhất vị trí đất theo bản đồ hiện trạng, thửa đất không có lối đi, xác định vị trí thấp nhất; sau đó xác định mức bồi thường: hỗ trợ 100% giá đất ở cho diện tích 200m2 (bố trí 1 lô đất chính đường 5,5m vệt 50m dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài); hỗ trợ 100% giá đất trồng cây lâu năm vị trí 1, đồng bằng (đơn giá 11.000 đồng/m2) cho diện tích 1.800m2 và bồi thường 100% giá trị tài sản trên đất, căn cứ theo Quyết định số 36/2009/QĐ-UBND ngày 24-12-2009 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp này, luật sư Đỗ Thành Nhân, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân (quận Thanh Khê) cho biết, sau khi xem xét hồ sơ nhận thấy việc Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu áp dụng hạn mức bồi thường đất ở mức tối thiểu (200m2) là quá cứng nhắc.

Theo luật sư Nhân, do hoàn cảnh gia đình nên không thể đi kê khai đất là lý do khách quan. Trong khi đó, các xác nhận của những hộ dân liên quan cũng như xác minh của UBND phường đều công nhận nguồn gốc đất của hộ bà Đệ là do khai hoang trước năm 1977, sử dụng ổn định, liên tục cho đến nay, hiện không ai tranh chấp. “Các hộ có tên kê khai chung trong thửa 21a đều kê khai 500m2 đất thổ cư và hộ bà Đệ cũng ở trong cùng vị trí này nên có đủ điều kiện xem xét và công nhận hộ bà Đệ cũng ở hạn mức 500m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm và có phương án bồi thường, bố trí TĐC theo hạn mức này là hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người dân”, luật sư Đỗ Thành Nhân phân tích.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.
công ty đo đạc bản đồMotor giảm tốc Sumitomo cốt âm