Nghĩa tình đồng hương

.

Những ngày này, cả nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang căng mình chống dịch. Thú thật là nghe tin thành phố Đà Nẵng tổ chức đón bà con xa quê trở về, tôi đã bần thần rất lâu, mắt cay cay.

Ngày 21-7, thành phố Đà Nẵng đón hơn 600 bà con đồng hương từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về.  Ảnh: PHAN CHUNG
Ngày 21-7, thành phố Đà Nẵng đón hơn 600 bà con đồng hương từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về. Ảnh: PHAN CHUNG

Cảm giác của tôi là sự xúc động khó tả, vui mừng và tự hào. Tin vui quá và cảm giác mình - công dân Đà Nẵng đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh - “không bị bỏ quên”. Tôi vui đến mức gọi điện, nhắn tin cho người này, người kia, không cần biết họ có phải là người Đà Nẵng không. Những người bạn địa phương khác sau khi chúc mừng tôi đã kèm theo câu nói đầy hy vọng: “Mong quê mình mai kia cũng có tin như thế!”.

Sau đó là những ngày “vui như hội”. Dù biết để đưa hơn 600 bà con về quê, các anh chị trong Hội đồng hương Đà Nẵng ở Thành phố Hồ Chí Minh rất vất vả thế nào, bất kể đêm hôm phải kè kè cái điện thoại bên người để kịp thời xử lý những cuộc gọi, những tin nhắn.

Những chuyến bay chở bà con đăng ký đợt 1 đã hạ cánh an toàn. Những khách sạn cách ly sạch sẽ, thoáng mát, cùng sự chăm sóc chu đáo làm ấm lòng những người vừa trở về. Nhiều người bày tỏ họ cảm thấy ấm áp, may mắn, yên tâm... Có người nói rằng, nhà chỉ cách khách sạn mấy cây số mà chưa về được, nhưng khi nhận phần ăn với khẩu vị quê mình, họ bật khóc và thôi không suy nghĩ gì nữa vì so với nhiều người chưa được về, họ may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều.

Tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng, 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1063/CĐ-TTg yêu cầu “Ai ở đâu ở đấy”, không để người dân chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31-7-2021 cho đến khi hết giãn cách. Đà Nẵng cũng thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ 18 giờ ngày 31-7.

Trong nhóm Hội đồng hương lúc này là những dòng chữ ngắn mong được hỗ trợ. Có người chỉ viết chưa đầy 20 chữ nhưng có tới 6 lỗi chính tả. Họ là những người công nhân, vì dịch bệnh nên phải ở nhà mấy tháng nay; người thì đang ở trong những khu phố bị phong tỏa; người thì bị mất hết giấy tờ cá nhân... Trong nhóm Hội đồng hương có những bình luận ngay lập tức: “Em đang ở đâu?”. “Mình cùng xã với bạn nè. Bạn ở xóm nào, cho mình xin địa chỉ, mình gửi bạn ít lương thực!”. “Em cung cấp thông tin cho hội nhé, hội có chút quà gửi em!”... Tiếp đó là những lời động viên nhau bình tĩnh, giữ sức khỏe và kiên nhẫn chờ đợi.

Chúng tôi động viên nhau từ xa. So với những người đang phải điều trị ở bệnh viện, chắt chiu từng chút oxy để kéo dài sự sống... thì thấy mình còn may mắn lắm, nên giữ mình an toàn, mạnh khỏe lúc này là một chiến công rồi.

Cũng nên nghĩ và tự hào về những y bác sĩ, đội ngũ phục vụ, những người đang cống  hiến để giữ bình an cho thành phố. Có người 2 tháng nay chưa được về nhà dù nhà chỉ cách một con đường. Có những đứa trẻ mấy tháng nay chưa được bố mẹ ôm ấp, chăm chút.

Một lần tôi vô tình đọc dòng tâm sự của một người mẹ: “Bố đi công tác từ ngày con còn đang bò, nay con biết đi rồi, biết gọi bố rồi mà chỉ được đi cho bố xem, được gọi bố qua màn hình điện thoại”. Có nhà thì gia đình chia tách, con lớn về nội, con nhỏ về ngoại để bố mẹ đi chiến đấu với Covid-19. Con trẻ hồn nhiên: “Con Covid ác lắm hả bà? Khi nào bố mẹ về với con?”.

Cũng có những người khẳng khái: “Em còn lo được, em chỉ mong thông tin đợt về nhà lần hai. Em trông từng ngày...”. Có người còn chia sẻ: “Em may mắn còn công việc để làm, hiện chỗ em cần người làm, ai cần việc thì đến chỗ em...”.

Chúng tôi - những người con Đà Nẵng - vì nhiều lý do nên tha phương. Nhưng những ngày này, dù không thể trở về quê, nhưng câu “mình là dân Đà Nẵng” như thể là câu thần chú, giúp người với người đang ở những ngày “sống im” - chứ không còn “sống chậm” - xích lại gần nhau hơn, cùng sẻ chia hơi ấm. Chúng tôi nhắc về những kỷ niệm, những địa danh ở quê nhà và cảm thấy rằng dù mình có lớn bằng chừng nào, dù có đi xa bao nhiêu, quê hương luôn là ngọn lửa ấm trong tim, quê hương là sợi dây bền chắc níu giữ cho mình khỏi chao đảo, ngả nghiêng. Lúc này, còn gì quan trọng hơn là đoàn kết, bình tĩnh, giữ sức khỏe và trao nhau những tinh thần tích cực.

Một ngày không xa, có lẽ gần thôi, quê hương sẽ bình yên, đất nước sẽ trở lại trong an lành, những người chiến thắng bệnh tật sẽ trở về nhà. Những chuyến bay, những chuyến tàu sẽ lại nhộn nhịp nối Bắc - Nam liền một dải. Cuộc sống lại tiếp nối với những ồn ã, buồn vui. Và chúng tôi sẽ là chứng nhân của giai đoạn lịch sử này, sẽ trao nhau nụ cười cùng với những ấm áp khi nhắc lại: Ngày ấy thật gay go, nhưng mình đã bình yên vượt qua nhờ mình có một quê hương cùng nghĩa tình đồng hương ấm áp.

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

;
;
.
.
.
.
.